Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa, đến nay Cảng Nghi Sơn đã có 21 bến đi vào hoạt động. Trong đó có 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp có tải trọng đến 60.000 DWT; 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở 3.500 TEU (tương đương 30.000 đến 40.000 tấn)…

Ngoài ra, tại đây còn có các cảng chuyên dụng hiện đại của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn.

Với sự phát triển hạ tầng cảng biển khá hiện đại, đã có nhiều mặt hàng được xuất - nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên do Nghi Sơn chưa có cảng container chuyên dụng nên sự thu hút hàng hóa trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận tham gia xuất - nhập khẩu còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, Cảng Nghi Sơn chưa thu hút được nhiều hãng vận tải biển lớn. Hiện mới chỉ có 1 hãng tàu container quốc tế của Tập đoàn CMA - CMG mở tuyến đi Hồng Kông (Trung Quốc) với tần suất 1 chuyến/tuần theo cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh (200 triệu đồng/chuyến tàu quốc tế cập cảng).

Theo ý kiến của đại diện Tập đoàn CMA - CGM tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư cảng đã nêu nhưng tồn tại, bất cập khiến hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn còn rất hạn chế so với tiềm năng.

Cụ thể, đa phần các chi phí liên quan đến xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn đều cao hơn so với Cảng Hải Phòng. Tại Cảng Hải Phòng, có nhiều hãng tàu tham gia vận tải nên giá cước có sự cạnh tranh, trong khi tại Nghi Sơn hiện chỉ có một hãng tàu quốc tế duy nhất.

Quan trọng hơn, tại Nghi Sơn mỗi tuần chỉ có 1 chuyến nên hàng hóa phải chờ mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho đối tác quốc tế, trong khi Hải Phòng có thể chuyển hàng hóa đi nước ngoài hàng ngày. Hiện tại có khoảng 4.800 container hàng hóa của Thanh Hóa và 2 tỉnh lân cận là Ninh Bình và Nghệ An xuất khẩu mỗi tuần, nhưng chủ yêu qua Cảng Hải Phòng với quãng đường vận chuyển xa hơn nhiều lần đến Cảng Nghi Sơn. 

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn đã có đối tác vận chuyển, bốc xếp và các dịch vụ liên quan làm ăn lâu năm, thậm chí ký hợp đồng lâu dài nên khó thay đổi để thực hiện xuất qua Cảng Nghi Sơn.

Tại hội nghị, các bên liên quan cũng nêu nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hoạt động xuất - nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn chưa phát triển mạnh, đồng thời kiến nghị tỉnh Thanh Hóa và các ngành, đơn vị liên quan có những giải pháp khắc phục. 

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa khẩn trương triển khai các quy hoạch liên quan đến phát triển cảng biển, tăng cường công tác quản lý Nhà nước để có những hỗ trợ kịp thời hoạt động vận tải biển.

Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa sớm tham mưu cho tỉnh những đề án, cơ chế khuyến khích cho phát triển vận tải biển, trong đó phải đánh giá được tiềm năng, có những dự báo số lượng hàng hóa của tỉnh có thể xuất khẩu qua đường biển trong những năm tới.

Hải quan Thanh Hóa tiếp tục triển khai tốt những công việc chuyên môn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn; xem xét điều chỉnh lại các loại phí liên quan đến xuất - nhập khẩu để ít nhất không cao hơn so với Cảng Hải Phòng. Bộ đội Biên phòng tại Nghi Sơn phải đẩy nhanh giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, không để thời gian kéo dài.

Còn với các doanh nghiệp, hãng tàu và đơn vị đầu tư hạ tầng cảng, ông Nguyễn Văn Thi cam kết: Thanh Hóa luôn đồng hành với các doanh nghiệp, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị đâu tư cảng, hãng tàu cũng là sự tồn tại và phát triển lớn mạnh của tỉnh.

Hoài Thu