Theo đó, sau trận bão lũ 2017, đã làm hư hỏng nặng nhiều đoạn tuyến đê sông Chu. Tỉnh Thanh Hoá đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí sửa chữa cấp bách. Sau khi có quyết định chấp thuận của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký quyết định giao Ban Quản lý các công trình NN&PTNT Thanh Hoá (Ban QLDA) trực thuộc UBND tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện 6 công trình trên.
Cụ thể, tại dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách đê tả sông Chu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ đoạn K6 đến K15+800 và dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách đê hữu sông Chu từ đoạn K16+700 đến K24+142 đều nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa.
Ba nhà thầu thi công là Công ty CP Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Công ty TNHH Tân Thành I và Công ty TNHH Hoà Bình. Được biết, các công trình thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2020 nghiệm thu, đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ, đúng thiết kế.
Mặt đê xuất hiện nhiều vết lún, có đoạn kéo dài hàng trăm mét
Tuy nhiên, dù chỉ mới sau nghiệm thu trong thời gian rất ngắn, nhiều đoạn tuyến, mặt đê cả 2 dự án đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều đoạn bị biến dạng hoàn toàn, xuất hiện liên tiếp những vệt lằn, lún, bong tróc, nứt gãy trên mặt đê, có đoạn kéo dài cả vài trăm mét.
Trao đổi với PV, ông Cao Bát Chí - Phó Giám đốc Ban QLDA (chủ đầu tư) thừa nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến tả và hữu sông Chu. Và cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng trên là do xe quá tải chở cát của các mỏ cát dọc sông Chu, bởi, thiết kế mặt đường đê chỉ chịu tải trọng 12 tấn nhưng thường xuyên có xe chở cát có khối lượng từ 15-20m3, tổng trọng lượng khoảng 40 tấn.
Được biết, phía các đơn vị thi công cũng liên tục có những văn bản gửi đến các cơ quan ban ngành liên quan về việc phối hợp trong việc cấm xe quá tải chạy trên đê.
Đơn cử như ngày 15/5/2020, Công ty TNHH Hòa Bình có công văn đề nghị chủ đầu tư, UBND huyện Thọ Xuân, UBND huyện Thiệu Hóa, Chi cục thủy lợi Thanh Hóa sớm có biện pháp cấm những xe vận chuyển vật liệu quá khổ đi lại trên tuyến đường đê trên để đơn vị này có cơ sở thực hiện công tác bảo hành theo quy định.
Thiết kế mặt đường đê chỉ chịu tải trọng 12 tấn, nhưng thường xuyên có xe chở cát có tổng trọng lượng khoảng 40 tấn chạy qua
Sau đó, ngày 22/5/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi cũng có văn bản về việc mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân, Chi Cục thủy lợi Thanh Hóa có biện pháp ngăn chặn xe quá tải.
Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Cường Thịnh Thi cho rằng, trong quá trình thi công họ đã làm đúng thiết kế, đúng tiến độ và đã được chủ đầu tư nghiệm thu theo đúng quy định.
Về tình trạng xe quá tải chạy trên mặt đê, phía công ty cũng đã có nhiều phản ánh và văn bản đề nghị các cấp các ngành có liên quan vào cuộc xử lý, thế nhưng xe quá tải vẫn rầm rập chạy cả ngày lẫn đêm cày nát mặt đê nên đơn vị thi công cũng bất lực.
Xe có trọng tải hàng chục tấn vẫn lưu thông "cày nát" tuyến đê hữu sông Chu
Do đó, sau khi nhận thấy tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy trên mặt đê vẫn không giảm bớt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã phải nhanh chóng gửi Công văn số 1997/SNN&PTNT-TL đến các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân.
Công văn nêu rõ, tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép đi trên đê, đặc biệt xe chở vật liệu cát, sỏi gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê tại một số tuyến đê tả, hữu sông Chu mới thi công, bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng.
Cụ thể, tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép tại các điểm: Đoạn từ K19+800-K22 đê tả sông Chu, xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, đoạn từ K9-K+800 đê tả sông Chu, đoạn qua huyện Thọ Xuân; đoạn từ K19+800- K20+200 đê hữu sông Chu, thị trấn Thọ Xuân, Thọ xuân; đoạn từ K22+800- K23+900 đê hữu sông chu, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đê điều và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Đồng thời, yêu cầu các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa chỉ đạo Công an huyện và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép đi trên mặt đê.
Mặt khác, yêu cầu các chủ bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn có sử dụng các tuyến đê làm đường vận chuyển phải cam kết, chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa thường xuyên các hư hỏng trên mặt đê cho quá trình vận chuyển cát, sỏi gây ra. Và có văn bản cam kết không bán, xúc cát, sỏi cho các xe quá tải trọng cho phép đi trên đê.
Trường hợp chủ bãi tập kết cố tình không chấp hành các yêu cầu trên, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét thu hồi giấy phép đã cấp.
Như vậy, dù 6 công trình xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư nâng cấp đến 150 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để thực hiện, thế nhưng với sự xuống cấp nghiêm trọng, mùa mưa bão gần kề, sẽ gây nguy hiểm an toàn cho đê và tính mạng người dân.
Đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan của Thanh Hóa kiểm tra làm rõ nguyên nhân và cần có biện pháp hữu hiệu và phương án cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Lê Nam - Hoài Thu