Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 165/NQ-CP, ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023 và công văn số 730/UBND-KTTC, ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường THPT, trường THCS&THPT; Trung tâm giáo dục thường xuyên - kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá về mức thu học phí kỳ II năm học 2022-2023.
Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền và để tổ chức mức thu học phí học kỳ II, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện như sau: Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo quản chi thường xuyên, giữ ổn định mức thu học phí học kỳ II năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022.
Được biết, học kỳ I năm học 2022-2023, tại TP Thanh Hoá các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong hệ thống công lập có mức thu học phí 300.000 đồng/HS/tháng. So với năm học 2021-2022, học phí bậc mầm non tăng 53,8% (195.000 đồng/học sinh/tháng), bậc THCS tăng 150% (120.000 đồng/học sinh/tháng), bậc THPT tăng 93,5% (155.000 đồng/học sinh/tháng)…
Ngoài việc học phí đồng loạt tăng, nhiều khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khác của năm học 2022-2023 cũng tăng hơn so năm học trước.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.
Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.
Cụ thể, đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập:
Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.
Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện.
Hoài Thu