Theo đó, thực hiện hỗ trợ, tư vấn, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, ở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa đã hướng dẫn việc áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc nông sản, thực phẩm an toàn cho các hộ sản xuất, chế biến và các doanh nghiệp, đơn vị.
Việc truy xuất nguồn gốc đang dần trở thành xu thế và yêu cầu bắt buộc để giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc còn giúp các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất quảng bá, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những sản phẩm được sản xuất, kinh doanh do các cơ sở được kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được chứng nhận VietGAP, HACCP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa và truy xuất nguồn gốc.
Trong năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã thực hiện hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc cho 18 đơn vị, với số lượng tem đã cấp là 750.000 tem. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản dự kiến trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu hỗ trợ áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, với số lượng tem đề nghị là 1.237.000 tem.
Lê Nam