Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản chủ yếu vẫn theo hình thức đơn lẻ, quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao; chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, do vậy đầu ra của sản phẩm chưa được bền vững, lâu dài.

Với các sản phẩm đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh và sản phẩm công nghiệp nông thôn, hành trình tiêu thụ sản phẩm cũng còn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh quy mô sản phẩm còn nhỏ và chưa ổn định, một trong những nguyên nhân quan trọng là do các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đại diện cho các sản phẩm còn hạn chế ở khâu quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Tại các hội nghị Xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ một số HTX mang nhiều sản phẩm tham gia trưng bày, triển lãm để tiếp cận thị trường như HTX chế biến thủy sản Hải Bình, với 5 sản phẩm là nước mắm, mắm tôm, mắm tép, mắm cốt đặc biệt, hải sản khô; HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng, có 2 sản phẩm là nấm linh chi, mộc nhĩ; HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thọ, với sản phẩm miến dong; HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, với 3 sản phẩm là cà gai leo, trà xanh sạch Bình Sơn và mật ong Bình Sơn...

Tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng để hình thành và phát triển kênh tiêu thụ cho các sản phẩm tiềm năng, các doanh nghiệp, HTX đại diện cho các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Tỉnh này cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm theo mô hình chuỗi; đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ tiềm năng trên thị trường.

Hoài Thu