Ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân tạo cơ sở để Bộ Công an thực hiện việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp xu hướng phát triển công nghệ số trên thế giới.
Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, có giá trị chứng minh về căn cước công dân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Khi Đề án 06 được triển khai, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc thực hiện Đề án sẽ giúp phát huy cao nhất giá trị của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.
Tại Thanh Hóa, với số lượng công dân trong diện cần phải thu nhận căn cước công dân lớn, khoảng hơn 3,2 triệu người, trong khi đó, đây lại là địa phương có địa bàn rộng và số đơn vị hành chính nhiều nhất cả nước (gồm 27 đơn vị cấp huyện và 559 đơn vị cấp xã), nên lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động tối đa mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Tính đến ngày 18/6/2023, tất cả 27 đơn vị công an cấp huyện và 559/559 đơn vị công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện, chính thức về đích trong chiến dịch thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân.
Có được kết quả này, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quyết liệt triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, duy trì việc bổ sung, cập nhật các dữ liệu thông tin dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ hiệu quả việc cấp căn cước công dân cho người dân trên địa bàn. Các phó giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến địa bàn cơ sở, nhất là các địa bàn có số lượng người chưa được thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân đông để đôn đốc, chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn và động viên cán bộ, chiến sỹ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Các đơn vị công an trong tỉnh đã huy động tối đa phương tiện, thiết bị máy móc và cán bộ, chiến sỹ xuống từng xã, phường, thị trấn, từng thôn, bản, khu dân cư để tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia làm thủ tục thu nhận hồ sơ căn cước công dân và tạo lập tài khoản định danh tiện tử. Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, “ngày làm xa, đêm làm gần”, “làm hết việc, không hết giờ”...
Với sự quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ Công an từ tỉnh đến cơ sở, sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là sự ủng hộ, tạo điều kiện của các tầng lớp Nhân dân, lực lượng công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện, hoàn thành trước thời hạn đăng ký với lãnh đạo Bộ Công an 11 ngày và trước thời hạn quy định của Bộ Công an 42 ngày.
Thời gian tới, Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt việc hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân; đẩy mạnh công tác cập nhật, bổ sung, làm sạch, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và làm tốt vai trò là cơ quan thường trực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.
Hoài Thu