Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra từ ngày 27 - 29/6, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết:

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hàng năm của ngành giáo dục và và đào tạo luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. 

Khâu quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Do đó, sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.

Những vật dụng được phép, không được phép mang vào phòng thi. Đồ họa TTXVN
Những vật dụng được phép, không được phép mang vào phòng thi (Đồ họa TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về chuẩn bị cho kỳ thi. Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, có thể thấy, các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Các tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Cùng với triển khai theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quy chế, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi. 

Các địa phương xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi. Ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả và tổ chức từ một đến nhiều đợt thi thử. 

Đặc biệt, các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi.
Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi (Ảnh: Phong Sắc)

Theo lịch thi, ngày 28/6, buổi sáng thí sinh thi môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút; buổi chiều thi môn Toán, thời gian làm bài 90 phút.

Ngày 29/6, buổi sáng thi bài thi Tổ hợp khoa học tự nhiên và Tổ hợp khoa học xã hội, thời gian làm bài 50 phút đối với mỗi môn thành phần; buổi chiều thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút.

Tại Thanh Hóa, chiều 27/6, các thí sinh đã có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và nghe phổ biến quy chế thi. Trong buổi làm thủ tục dự thi, các thí sinh đã được học quy chế thi, nội quy phòng thi; thí sinh được đính chính những sai sót (nếu có) trong quá trình đăng ký dự thi như sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên…

Với gần 36.500 thí sinh đăng ký dự thi, năm nay toàn tỉnh bố trí 75 điểm thi với 1.586 phòng thi; điều động khoảng 6.200 người tham gia làm nhiệm vụ thi.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 36.114/36.480 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 98,99%. Các điều kiện chuẩn bị cho công tác thi tại các điểm thi được bảo đảm, sẵn sàng cho thí sinh bước vào ngày thi chính thức.

Hoài Thu