Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ các xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đồng thời lồng ghép một số chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó tập trung vào 4 chính sách lớn, như: hỗ trợ sản xuất; tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phát triển dạy nghề nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng với triển khai Nghị quyết 30a, tỉnh Thanh Hóa cũng huy động nhiều nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực miền núi.
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 1.234 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 247 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, khoán chăm sóc, bảo vệ 917.937 ha rừng tại các huyện nghèo... Có trên 70.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng các dự án, mô hình kinh tế... từ đó đã giúp cho trên 17.500 hộ thoát nghèo.
Giai đoạn 2016–2020, tốc độ giảm nghèo của 11 huyện miền núi mỗi năm giảm 4,02%, có 1/7 huyện thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (huyện Như Xuân); có 5 xã và 30 thôn, bản đặc biệt khó khăn khu vực 11 huyện miền núi hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; có 72 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn...
Đến nay, 100% số xã miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 92% các thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 91% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các xã thuộc khu vực miền núi có điện lưới quốc gia; 100% trạm y tế xã được hỗ trợ trang thiết bị y tế; 88,6% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 51% xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.
Hoài Thu