![Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/11/18/j-1637235975.jpg)
Theo đó, ngày 14/11, Bộ Y tế có công văn gửi các địa phương đốc thúc tiến độ tiêm vắc-xin, trong đó cho hay vẫn còn 18 triệu liều đã được phân bổ cho các địa phương nhưng chưa được sử dụng. Miền Bắc còn tồn hơn 5,2 triệu liều, miền Nam là 8,2 triệu. Trong đó, theo Bộ Y tế, các tỉnh thành còn tồn nhiều là Hà Nội với 760.000 liều; Thanh Hóa 639.000 liều; Nghệ An 910.000 liều; TP Hồ Chí Minh 506.000 liều; An Giang 1,2 triệu.
Đến chiều 17/11, trong Hội nghị trực tuyến đánh giá tiến độ tiêm vắc xin với các địa phương, Bộ Y tế tiếp tục nhắc tên tỉnh Thanh Hóa là một trong 4 địa phương tiêm chậm và để vắc xin tồn kho.
Trước thông tin này, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Thanh Hoá đã tiêm được 1,88 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Thông tin về việc Thanh Hoá tiêm vắc xin chậm và để tồn kho 1,57 triệu liều vắc xin là không chính xác.
Theo ông Hùng, ngay khi có kế hoạch cấp vắc xin về cho các địa phương thì Bộ Y tế lập tức thống kê. Tuy nhiên, thực tế cần thời gian mấy ngày mới chính thức giao về và cũng cần thêm quãng thời gian nhất định (3-5 ngày) mới triển khai tiêm xong số vắc xin được cấp cho người dân. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể dẫn đến việc Bộ Y tế đánh giá là “tồn đọng vắc xin” nhưng thực chất, một số loại vắc xin “đặc thù” phải tiêm các mũi cùng chủng loại, đúng lịch, như loại vắc xin Apdala của Cuba.
Về nhân lực và điều kiện đáp ứng công tác tiêm phòng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho rằng, tỉnh này hoàn toàn đáp ứng tốt, không gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai tiêm phòng diện rộng trên toàn tỉnh.
Hoài Thu