Được biết, dự án có quy mô 20.000 con bò sữa, nhà máy chế biến sữa công suất 300 tấn sữa/ngày, do Tập đoàn TH đầu tư với tổng vốn trên 3.800 tỷ đồng. Hai cụm trang trại sẽ được xây dựng tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống.
Tại buổi lễ, TH cũng giới thiệu mô hình phát triển bền vững đồng hành cùng người nông dân theo mô hình hợp tác xã công nghệ cao. Đây là bước đi Tập đoàn TH đã thực hiện tại Đà Lạt, thông qua thương hiệu Dalatmilk, giờ đây là Thanh Hóa và tiếp theo là Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Củ Chi (TP. HCM), Ba Vì (Hà Nội)...
Lễ khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp
Với mô hình này, Dalatmilk sẽ triển khai lắp đặt chíp điện tử cho đàn bò của nông hộ. Thông qua hệ thống ăng ten thu phát, Dalatmilk có thể giúp nông dân theo dõi sức khỏe đàn bò thông qua máy tính hoặc smartphone, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về sức khỏe đàn bò, cảnh báo bệnh viêm vú trước 7 ngày, tình trạng dinh dưỡng… Người nông dân cũng sẽ được Dalatmilk cung cấp giống, thú y, thức ăn và bao tiêu thu mua sữa tươi nguyên liệu để chế biến.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là một hoạt động kinh tế quan trọng, góp phần trả lời câu hỏi về tái cơ cấu nông nghiệp với 3 nguyên tắc: Lựa chọn ngành hàng Việt Nam có thế mạnh, coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt để tổ chức ngành hàng hiệu quả và giải quyết nút thắt về sản xuất nông hộ nhỏ lẻ. Theo Bộ trưởng, sữa là một ngành hàng có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Hiện nay, ở khu vực châu Á, chúng ta đứng thứ 6 về sản lượng, đứng thứ 4 về năng suất.
Bộ trưởng tin tưởng Tập đoàn TH sẽ tiên phong trong chuỗi liên kết nông nghiệp, có bước phát triển đột phá, đồng hành cùng bà con nông dân, chính quyền địa phương trong sản xuất sữa chất lượng tốt phục vụ người dân trong nước và chinh phục thị trường thế giới.
Dự kiến đến năm 2025, tổng số đàn bò sữa mà Tập đoàn TH đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao sẽ đạt khoảng 200.000 con. Cùng với đó, TH cũng đặt mục tiêu mở rộng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín lên 200.000 con; nâng tổng số đàn bò sữa mà TH quản lý và sở hữu lên 400.000 con, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đàn bò sữa 500.000 con theo Quyết định 124/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ngọc Linh