THCL Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 15 - 18/9, trên địa bàn Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200 mm - 300 mm, một số cao hơn như Cẩm Thủy 375 mm, Bát Mọt 346 mm, Cửa Đạt 326 mm... Mưa lớn khiến mực nước các sông lên nhanh và ở mức cao, gây ngập lụt tại một số địa phương.
Đợt mưa lũ xảy ra đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu và làm tê liệt nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Theo tổng hợp báo cáo nhanh từ các địa phương, mưa, lũ làm ngập nước 4 công sở, trường học, trạm y tế, 671 hộ dân, 1.138 ha lúa mùa; lũ quét, sạt lở đất làm tám nhà dân ngập bùn đất, đổ 335 ha mía; ngập, hư hỏng 1.294 cây trồng vụ đông, 69 ha hoa màu, 90 ha rau; nước tràn bờ 49 ha ao, làm 330 gia súc, gia cầm bị chết; một số công trình hồ, đập nhỏ ở các huyện miền núi bị sạt lở.
Do mưa lớn, nên mực nước tại hệ thống sông suối lên nhanh, từ trưa 17/9, tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Xuân… đã phải sơ tán hàng trăm hộ dân sống ven sông suối, dọc bờ sông Mã, sông Bưởi. Tính đến cuối giờ chiều 18/9, Thanh Hóa đã sơ tá 671 hộ dân đến nơi an toàn, trong đó huyện Thạch Thành 529 hộ, Cẩm Thủy 117 hộ, Như Xuân phải sơ tán 25 hộ… do bị ngập nước.
Mưa, lũ quét đã làm cho quốc lộ 217 bị sạt lỡ nghiêm trọng; QL 15C bị sạt một điểm ở xã Nhi Sơn; một số điểm trên tỉnh lộ 519B qua huyện Thường Xuân, tỉnh lộ 518 thuộc huyện Cẩm Thủy bị ngập nhưng nước đã rút, giao thông đi lại bình thường. Tỉnh lộ 522 qua huyện Thạch Thành còn bị ngập nước 300 m. Ngoài ra mưa lũ còn gây sụt lún, hư hỏng và ngập lụt nhiều đoạn tuyến ở QL47, 47B, đường tỉnh 511, đường tỉnh 523B…
Trước tình hình mưa lũ, sở GTVT Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị quản lý phối hợp với chính quyền địa phương bố trí người trực cảnh giới làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, huy động tối đa máy, thiết bị, vật tư, vật liệu, nhân lực để khắc phục ngay các điểm sạt lở, thông tuyến giao thông.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát lệnh báo động cấp II trên các triền sông Mã, sông Bưởi, sông Cầu Chày, yêu cầu Ban chỉ huy các huyện, thị xã, triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê, hộ đê theo cấp báo động, có phương án xử lý bảo đảm an toàn các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê. Thông báo cho hộ dân sinh sống ở ngoại đê chủ động sơ tán khi mực nước lên cao, tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi diễn biến mưa lũ. Đồng thời, cử nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, trực tiếp chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả, đồng thời sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra một cách kịp thời.
Lan Anh ( Thương hiệu & Công luận)