Đến nay, cả nước có 60 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt.
Các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tăng cường giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Nhiều bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tại Thanh Hoá, mới đây UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện rà soát các thủ tục hành chính rườm rà, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; cắt giảm thời gian, đề xuất phân cấp, phân quyền những thủ tục hành chính có cơ sở thực hiện.
Riêng đối với các sở: Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát các thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022, hoàn thành trước ngày 15/08/2022.
Hoài Thu