Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức cho biết: Đến năm 2021 tổng số trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có 1.979 cơ sở. Nhìn chung, mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, sắp xếp lại đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đã đầu tư và đưa vào hoạt động là 49 trường tư thục, quy mô 20.251 học sinh (chiếm tỷ lệ 2,34%).

Cơ sở vật các trường học đã được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh có tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc mầm non, phổ thông (tính đến tháng 09/2021) là 51.803 người, thiếu so với quy định.

Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao: Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi của các cấp học, bậc học đều tăng. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia trong 07 năm qua luôn đạt trên 92%. Số học sinh đạt tổng 27 điểm trở lên (thi đại học), số học sinh đạt điểm 10 và thủ khoa luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước...

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã đề cập nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

Các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ nguyên nhân và giải pháp để các địa phương nâng cao chất lượng toàn diện, giáo dục mũi nhọn; hiện chất lượng giáo dục giữa các huyện miền núi có sự chênh lệch cao so với các huyện miền xuôi, giải pháp nào để thu hẹp; làm rõ tình trạng giáo viên miền núi thuyên chuyển về miền xuôi gia tăng dẫn đến tình trạng thiếu - thừa giáo viên cục bộ; tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn tại các cấp học.

jhjkj
Các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hoá đã đề cập nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục của tỉnh nhà.

Các đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề giữa tỷ lệ các trường đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cao so với cả nước nhưng kết quả tỷ lệ thí sinh đạt điểm thi lại chưa có sự tương thích khi vẫn nằm ở xếp hạng thấp và trung bình. Đặc biệt là vấn đề dạy thêm, học thêm còn tràn lan, khó kiểm soát và kéo dài trong thời gian dài.

Tại phần trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đã trả lời làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm còn tràn lan, khó kiểm soát, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra một số giải pháp sẽ đề xuất và triển khai trong thời gian tới, trong đó trọng tâm sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này; đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng học chính khoá để giảm bớt nhu cầu học thêm của phụ huynh học sinh; kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo để có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về công tác dạy thêm, học thêm sao cho phù hợp với các quy định.

Đối với vấn đề về tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mũi nhọn thời gian tới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số giải pháp, đó là: Tham mưu kế hoạch tuyển dụng giáo viên chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT, đặc biệt là trường THPT chuyên Lam Sơn. Tham mưu xây dựng cơ chế và định hướng cho học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học sư phạm về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế khen thưởng cho giáo viên và học sinh đoạt giải cao trong kì thi quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động tích cực các nguồn lực xã hội của tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong việc khen thưởng kịp thời, động viên giáo viên, học sinh đoạt giải cao trong các kỉ thi quốc gia, quốc tế...

Lê Nam