Những chính sách quan trọng tháo gỡ khó khăn cho các huyện miền núi
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó diện tích tự nhiên chiếm khoảng 3/4 và tỷ lệ dân số chiếm 1/3 toàn tỉnh với 07 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao và Khơ Mú.
Theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Thanh Hóa có 06 huyện nghèo nằm trong danh sách này là Quan Hóa, Lang Chánh, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Mường Lát đây đều là các huyện miền núi của tỉnh.
Nhìn chung các huyện miền núi của tỉnh đều có điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đến tháng 5/2022, toàn tỉnh còn 67.684 hộ nghèo và còn 86.912 hộ cận nghèo, trong đó, riêng khu vực 11 huyện miền núi còn 46.470 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20% và còn 47.446 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,42%.
Theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 nhấn mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Nghị quyết này là sự cụ thể hóa quan điểm trong Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng về giảm nghèo bền vững, tăng trưởng bao trùm và quan tâm mọi nhóm xã hội, đặc biệt nhóm yếu thế dễ bị tổn thương.
Hiện nay, tình trạng tái nghèo còn phổ biến dưới tác động của rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động xấu của thị trường. Đây là vấn đề đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hoá nói riêng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các huyện miền núi, ngày 23/7/2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025. Đây là một trong những Chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời cũng là quyết sách lớn của Quốc hội và Chính phủ quan tâm.
Mục tiêu của Chương trình là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối thuận lợi với các vùng trong và ngoài tỉnh. Phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Chương trình đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, về kinh tế thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ cải tạo, sửa chữa 100% tuyến đường giao thông đến trung tâm xã, đến trung tâm huyện đã hư hỏng, xuống cấp; nâng tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 75% trở lên; các huyện thuộc khu vực miền núi thấp có đường giao thông được cứng hóa đạt 80% trở lên, các huyện miền núi cao có đường giao thông được cứng hóa đạt 75% trở lên.
Đầu tư nâng cấp các hồ, đập, bai đập, các công trình thủy lợi đáp ứng 95% trở lên nhu cầu tưới tiêu. Đầu tư công trình điện cho 38 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia; phấn đấu 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác đạt 100%.
Về văn hóa, xã hội, hoàn thành công tác định canh, định cư; quy hoạch, di dời 4.501 hộ dân đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến các điểm dân cư nông thôn, khu vực dân cư mới, khu vực an toàn.
Về phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Phấn đấu tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Khối mầm non 75% trở lên, tiểu học 80% trở lên, THCS 70 % trở lên, THPT 70% trở lên; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 30 tuổi đạt 99% trở lên; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%, học trung học cơ sở đạt 100%, học trung học phổ thông đạt 95% trở lên.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% trở lên, số lao động được tạo việc làm bình quân đạt 20.000 người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2,67%/năm trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên…
Chương trình đã đề ra 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bám sát Nghị quyết 88/2019 của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy khát vọng tiến bộ và chủ động vươn lên trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho Nhân dân.
Về phát triển kinh tế, tập trung 03 lĩnh vực gồm: Sản xuất nông, lâm, thủy sản định hướng phát triển theo vùng và định hướng phát triển theo lĩnh vực; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Dịch vụ. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Về văn hóa – xã hội, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển hệ thống hạ tầng thông tin, truyền thông. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững…
Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 20.120 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 15.718 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 4.305 tỷ đồng; ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp 97 tỷ đồng.
Tiếp theo đó, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa ban hành tiếp Quyết định về việc giao danh mục và mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình là hơn 1,2 tỷ đồng.
Trong đó, gồm nhiều dự án chú trọng đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cũng như phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…
Song song với đó là hàng loạt chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai hiệu quả, như: Chương trình 30a, Chương trình 134, 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,8% (năm 2020 đạt 8,5%); quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% GRDP toàn tỉnh.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa từ năm 2016-2021 đạt trên 58.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh trong cùng giai đoạn.
Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, Chương trình 135, tỉnh Thanh Hóa đã, đang xây dựng, thực hiện được trên 350 dự án phát triển sản xuất, trong đó có khoảng 300 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm gần 50.000 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, vượt mục tiêu giảm bình quân 2,5%/năm.
Đến nay, 11 huyện miền núi còn 13.193 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%, có 1 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a, có trên 30 xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...
Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề tại các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn cho hàng trăm nghìn lượt hộ gia đình. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất.
Công tác phát triển giáo dục có những chuyển biến tích cực. Đã có 58% trường đạt chuẩn quốc gia; 7/11 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 91,4%; 91% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%, có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%...
Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi xứ Thanh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thanh Hoá là một trong 08 tỉnh của cả nước được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Chương trình giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2012-2015. Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài
Thực tế, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, cần huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội và cũng cần khơi thông các nguồn lực. Trên cơ sở các chính sách và Chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tế khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hoá vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, bất cập là rào cản trong việc phát triển kinh tế.
Theo nhận định của một số lãnh đạo địa phương ở huyện Bá Thước, huyện Thường Xuân, huyện Lang Chánh... lý giải về các nguyên nhân khiến kết quả giảm nghèo tại các huyện miền núi chưa thật bền vững là do tình trạng thiếu đất sản xuất, người dân chưa biết cách làm ăn, một bộ phận vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo. Riêng đơn cử như ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, có những hộ nghèo là người cao tuổi, bảo trợ xã hội không có lao động nên thu nhập thấp hoặc nhờ vào nguồn phụ cấp là bảo trợ hàng tháng nên không có khả năng thoát nghèo; mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế, đa số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở 3 thôn Đặc biệt khó khăn…
Và đặc biệt, nguyên nhân cơ bản là từ vấn đề các tiêu chí chuẩn nghèo chưa sát với thực tế. Cùng với đó, hệ thống chính sách về giảm nghèo vẫn phức tạp, nhiều tầng nấc, khó khăn cho việc áp dụng vào thực tiễn của cán bộ cơ sở và việc tiếp cận của người dân. Việc rà soát, tích hợp, sửa đổi, ban hành chính sách về giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai thời gian đầu của chương trình.
Hiện, Việt Nam đã trải qua 06 lần điều chỉnh tiêu chí về nghèo cho phù hợp tình hình thực tế. Từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu...và bây giờ chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.
Về phương thức giảm nghèo, Việt Nam chuyển đi từ chỗ Nhà nước phải bảo đảm ngân sách hoàn toàn sang phương thức Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể...
Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, ông Vi Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho rằng: Để xoá đói, giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi thì cần tạo lập những tiền đề, điều kiện để phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, các cấp, các ngành cần có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực để các địa phương miền núi phát triển, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.
Trong đó, quan trọng nhất là để người dân có thể phát triển được kinh tế rừng, tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế và giảm nghèo. Các cấp các ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, các quy định Luật Lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác và phát triển tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp. Tập trung nghiên cứu phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, qua đó tận dụng được đất đai, nâng cao giá trị của rừng…
Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, huyện Bá Thước cũng bày tỏ: Muốn thoát nghèo bền vững cho bà con các huyện miền núi thì cần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho các hộ gia đình có lao động để tạo ra thu nhập, đào tạo nghề cho lao động, đầu tư có trọng điểm vào các công trình phúc lợi chung. Hạn chế các hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún cho các hộ gia đình mà không mang lại hiệu quả lâu dài, chưa phù hợp như: Hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ đầu thu… Qua đó làm thay đổi nhận thức của người dân về việc gia đình hộ nghèo là được nhận hỗ trợ.
Một cách làm cần được đẩy mạnh là nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác truyền thông về giảm nghèo, phê phán các hiện tượng tiêu cực, không tích cực thoát nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tại Hội nghị tăng cường hợp tác, vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác vào tỉnh Thanh Hóa do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức ngày 31/10 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết:
Đối với lĩnh vực viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, chỉ tính trong 14 năm (2008 - 2021), giá trị giải ngân viện trợ đạt 107,56 triệu USD, tương đương 2.624 tỷ đồng. Giá trị giải ngân trong năm 2022 ước đạt 7,2 triệu USD. Các dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho người dân; y tế, giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội; bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đây là những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, đáp ứng trực tiếp, kịp thời nhu cầu cơ bản của người được hưởng lợi, nhất là các đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội, mà các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, các chương trình mục tiêu, giảm nghèo chưa vươn tới được và có sự hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã đề nghị các cơ quan, tổ chức tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và của Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh Thanh Hóa, hỗ trợ thực hiện nhiều chương trình, dự án mới trên địa bàn tỉnh, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn… Đây cũng là những lĩnh vực thuộc các chương trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Thanh Hóa, tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Được biết, tại hội nghị, các tổ chức phi chính phủ đã ký cam kết tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa 9,64 triệu USD.
Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 58, kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng với tốc độ cao, đứng trong nhóm 08 địa phương dẫn đầu cả nước; Thu ngân sách nhà nước luôn đạt và vượt xa so với dự toán (ước đạt 48.820 tỷ đồng năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung cả nước.
Hiện, Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.
Bài và ảnh: Lê Nam- Hoài Thu