Chủ trì hội nghị - Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, các sở, ban, ngành và cơ quan đại diện các báo TƯ, địa phương tại Thanh Hóa.

Tại hội nghị, đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, xuất phát từ thực trạng tình hình phức tạp của tội phạm giết người, cố ý gây thương tích trong thời gian qua và những dự báo khoa học về tội phạm giết người, cố ý gây thương tích trong thời gian tới, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phòng, chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020” là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, sự bình yên, hạnh phúc của mọi công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, góp phần ổn định ANTT, thúc đẩy phát triển kinh tề - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Tăng cường phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích - Hình 1

Chủ trì hội nghị - Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện đề án nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; hạn chế thấp nhất tính chất, mức độ, hậu quả gây ra cho xã hội; kiềm chế, đấu tranh ngăn chặn, từng bước làm giảm tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh; kết quả công tác điều tra, khám phá, xử lý hiệu quả cao, triệt để. Phấn đấu giảm 25% tổng số vụ giết người, giảm 25% tổng số vụ cố ý gây thương tích xảy ra vào năm 2020 so với năm 2016.

Để thực hiện hiệu quả đề án cần các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với công tác phòng, chống tội phạm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cần được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, có nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 10, Đề án 375 của UBND tỉnh Thanh Hóa và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao gây ra các vụ án giết người, gây thương tích tại địa bàn cơ sở như: Đối tượng nghiện ma túy; Người chấp hành xong hình phạt tù; chấp hành hình phạt ngoài tù; đối tượng quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các đối tượng có tiền án, tiền sự; thanh thiếu niên hư và người bị tâm thần, bị “ngáo đá”.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để tội phạm sử dụng để gây án.

Xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án công tác vũ trang tuần tra kiểm soát, tuần tra nhân dân, tuần tra nghiệp vụ của các lực lượng chức năng nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với các đối tượng phạm tội giết người và phạm tội cố ý gây thương tích nhanh chóng, kịp thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp gắn với đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất, trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, các điều kiện đảm bảo khác cho các lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đề án này, được thực hiện trong 4 năm (2017 đến hết 2020). Ban Chỉ đạo 138  tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch thực hiện; tổ chức hội nghị cấp tỉnh để triển khai thực hiện Đề án. Bước 2, các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện; tổ chức hội nghị cấp huyện để quán triệt. Bước 3, triển khai đồng loạt các giải pháp thực hiện của đề án trên phạm vi toàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau thông tin về đề án, Đại tá Nguyễn Văn Bính mong muốn lãnh đạo các sở, ban, nghành, nhà báo, phóng viên có mặt tại hội nghị đưa ra ý kiến về vấn đề trên nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều nhà báo, phóng viên qua quá trình thực tế ghi nhận, đã đưa ra một số sự vụ nhằm góp ý kiến phân tích cùng lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa để giải đáp những băn khoăn, trăn trở mong khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác phòng chống tội phạm.

Đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa - Đại tá Nguyễn Văn Bính ghi nhận những ý kiến đóng góp và thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả đề án “Phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 – 2020”.

Nguyễn Thuấn