Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 đơn vị được Thống đốc NHNN Việt Nam cấp phép hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng đó là chi nhánh tại Thanh Hóa của các Ngân hàng thương mại cổ phần: Á Châu, Kỹ Thương, Phương Đông, Sài Gòn Thương Tín, Tiên Phong, Sài Gòn và 3 tổ chức kinh tế là Công ty CP Phú Đô, Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - Chi nhánh Thanh Hóa, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - Chi nhánh Thanh Hóa.
Doanh số mua bán vàng miếng trên địa bàn trung bình đạt khoảng 5.000 lượng vàng/năm, chủ yếu là của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Công ty CP Phú Đô và Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - Chi nhánh Thanh Hóa.
Về hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, toàn tỉnh hiện có 73 doanh nghiệp vàng được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Các doanh nghiệp phần lớn chỉ sản xuất, gia công một số lượng ít các sản phẩm, hàng hóa đơn giản như nhẫn tròn, lắc tay, khuyên tai. Khối lượng sản xuất chủ yếu ở một số ít doanh nghiệp tại trung tâm TP Thanh Hóa.
Toàn tỉnh cũng có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Các doanh nghiệp đều niêm yết giá từng loại vàng theo đúng quy định.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN Thanh Hóa đã chủ động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp vàng không hoạt động, doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Đồng thời, NHNN Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan chức năng như: Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thanh tra, kiểm tra về hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và hoạt động sản xuất, mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác thanh, kiểm tra đã thu hồi 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, như: không công bố tiêu chuẩn; không ghi nhãn hàng hóa đúng quy định; không niêm yết công khai giá vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ; xuất nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, vàng nguyên liệu không đúng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng tình hình giá vàng tăng cao, nhiều người dân mua vàng để tích trữ nên một số tổ chức, cá nhân có hành vi trà trộn, làm giả các thương hiệu nổi tiếng để trục lợi. Cụ thể, vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 10 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ - Công an TP Thanh Hóa đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh vàng bạc Ngọc Minh ở số 47 Cao Thắng, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 27 sản phẩm kim loại màu vàng, bạc có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của một số thương hiệu nổi tiếng như: Cartier, Hermes, Chanel, BVLGARI, Louis Vuitton. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là gần 260 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiến hành xác minh, làm rõ theo quy định.
NHNN Thanh Hóa khuyến cáo người dân cần theo dõi những biến động của thị trường vàng trên thế giới và trong nước, thận trọng khi đầu tư vàng, cân nhắc kỹ, giá vàng tăng nhanh nhưng cũng có thể giảm rất nhanh. NHNN Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành nắm bắt tình hình, hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ vàng làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính trên địa bàn.
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị và của Nhân dân trên địa bàn về hoạt động quản lý vàng nói riêng và quản lý tiền tệ, ngoại hối nói chung. NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Lê Nam