Cụm công nghiệp nghề cá xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc
Cụm công nghiệp nghề cá xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có quy hoạch phát triển 91 cụm công nghiệp, đến nay đã có 39 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 1.447,39 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.125,4 tỷ đồng. 

Tỉnh Thanh Hóa đã xác định, một trong những động lực để tỉnh giữ vững đà tăng trưởng, phát triển bền vững là luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh các khu công nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, tỉnh tiếp tục tạo thêm nhiều cơ chế thuận lợi, tăng sức hấp dẫn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm tham gia vào các khu công nghiệp mới trên địa bàn.

Theo số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa, trong số các cụm công nghiệp đã thành lập, chỉ có 5 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại; 5 cụm công nghiệp đang được đầu tư hạ tầng; 7 cụm công nghiệp đang hoàn thành các thủ tục đầu tư, đang giải phóng mặt bằng thuê đất; 13 cụm công nghiệp đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; 5 cụm công nghiệp mới thành lập; số cụm công nghiệp còn lại chậm tiến độ đang phải xem xét thu hồi dự án.

Theo phân tích, đánh giá, tình hình thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp hạn chế là do một số nguyên nhân chính như vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm công nghiệp còn hạn chế, nhiều cụm công nghiệp gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng do thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp. Vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được chú ý trong quá trình xây dựng, khiến hầu hết cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường.

Xác định việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp đến thuê đất, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn và phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung, nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, Sở Công Thương Thanh Hóa đang tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường... để thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp. Cùng với đó, Sở cũng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp vào thuê đất, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp.

Thanh Hóa hiện đang là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn với nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.

Trên tinh thần hợp tác toàn diện, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhiều lần thể hiện sự cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững.

Hoài Thu