Tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì sáng nay, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của TP, hiện đã có 20 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế đã công bố 16).
Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, BV Bạch Mai có đầy đủ yếu tố của một ổ dịch phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao khi có rất nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị. Nếu từ ngày 19/3 chúng ta "đóng băng" thì sẽ có cơ hội vàng tốt hơn, nhưng từ đó đến nay, hàng ngày có từ 5.000-7.000 người khám chữa bệnh.
Nguy cơ lây nhiễm đến từ gần 3.000 bệnh nhân HIV được bệnh nhân dương tính với Covid-19 thứ 86 phát thuốc từ ngày 9-14/3 là rất lớn.
Nguy cơ tiếp theo đến từ công ty Trường Sinh với 23 phụ nữ trong độ tuổi 25-57, hàng ngày đưa phích nước cho tất cả các khoa của BV; bộ phận nấu cháo, phở cung cấp theo yêu cầu cho bệnh nhân; bộ phận nấu ăn hàng ngày cung cấp cho khoảng 5.000 - 6.000 nhân viên BV ăn tại tầng 2 tòa nhà. Ngoài ra, khoảng 2.000 - 3.000 học sinh, sinh viên thực tập của Hà Nội và các tỉnh thành ăn uống và học tập tại BV, nhưng đã rời BV từ ngày 20/3.
“Đáng lo ngại nhất là khu vực nhà ăn cho cả người vào ăn. BV cho biết từ ngày 15-25/3, mỗi ngày có 600-700 người. Riêng cuối tuần có khoảng 250 người. Nếu đúng là bệnh nhân 170 vào đây ăn 5 lần và bị nhiễm với mức độ như thế thì tôi tin số lây nhiễm còn nhiều hơn", ông Chung bày tỏ lo lắng.
Trước tình hình đó, ngày 29-3, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi UBND và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập về việc theo dõi, giám sát y tế người bệnh đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai về Thanh Hóa.
Được biết, từ ngày 15-3 đến 26-3, Thanh Hóa đã có 1.889 bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (trong đó có 150 bệnh nhân điều trị nội trú), chưa tính đến một lượng lớn người nhà đi cùng chăm sóc và người đến thăm. Đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm COVID-19 dẫn đến khả năng xâm nhập vào địa bàn Thanh Hóa làm lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Trước tình hình cấp bách trên, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát các trường hợp sống trên địa bàn đến khám bệnh và điều trị nội trú, ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15-3 đến 26-3.
Tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng theo dõi, giám sát y tế người bệnh đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai về địa phương này.
Trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú đã ra viện trong khoảng thời gian trên thì hướng dẫn bệnh nhân, người đi cùng chăm sóc cách ly y tế tại nhà/ nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày ra viện. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 (sốt, ho, khó thở, đau họng…) thì đến ngay các cơ sở y tế được khám, điều trị kịp thời và phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố lấy mẫu xét nghiệm.
Tuyên truyền, khuyến cáo để những trường hợp khám, điều trị ngoại trú, người nhà bệnh nhân, người đến thăm bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 thì đến ngay cơ sở y tế được khám, điều trị kịp thời. Những trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai thì tuyên truyền, khuyến cáo gia đình khai báo với chính quyền địa phương trước khi người bệnh trở về để có biện pháp theo dõi, giám sát y tế phù hợp.
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức điều tra lấy mẫu xét nghiệm cho những đối tượng người bệnh đã ra viện tại Khoa Thần kinh, Trung tâm Tim Mạch, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ 15-3 đến 26-3.
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, trong trường hợp những đối tượng trên đến khám, điều trị có các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở, đau họng…) phải được cách ly tại khu vực cách ly của đơn vị; báo cáo và phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố (hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nếu các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn) đẻ thực hiện điều tra dịch tễ, giám sát lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi điều trị người bệnh theo quy định.
Hoài Thu