Tỉnh Thanh Hóa có nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ phát triển ngành chế biến
Tỉnh Thanh Hóa có nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ phát triển ngành chế biến nông sản

Theo đó, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 50.600 ha rau các loại, sản lượng đạt 580.700 tấn; trong đó, đã xây dựng được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung, với diện tích 12.560 ha, sản lượng 170.754 tấn. Diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.680 ha, sản lượng 30.480 tấn, trong đó, diện tích trồng cây ăn quả tập trung ước đạt 7.000 ha, sản lượng đạt 216.013 tấn.

Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ, phát triển ngành chế biến, từ đó nâng cao giá trị nông sản.

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chế biến nông, lâm sản, quy mô vốn đầu tư 20 tỷ đồng trở lên và sử dụng tối thiểu 30% số lao động địa phương.

Với nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến rau, quả, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 17 doanh nghiệp đầu tư chế biến rau các loại với tổng công suất đạt khoảng 109.200 tấn/năm. Các sản phẩm rau được chế biến thông qua việc sơ chế, đóng gói bảo quản cung cấp cho thị trường, với các sản phẩm chủ yếu, như: dưa chuột muối, ớt muối, ớt đông lạnh,... Thu hút được 9 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm trái cây, với các sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ hộp đông lạnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, số doanh nghiệp chế biến rau hiện có mới chỉ đáp ứng được nhu cầu chế biến khoảng 18,8% sản lượng rau hàng năm của cả tỉnh. Hơn nữa, các nhà máy chế biến rau, quả nói trên đều có quy mô, công suất chế biến nhỏ, nên chưa tạo ra được sản phẩm chế biến có thương hiệu.

Vì vậy, để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản nói chung và rau quả nói riêng, các địa phương cần tăng cường đầu tư để hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hệ thống giao thông đến các vùng sản xuất để thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp và các tổ chức khác thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu; xây dựng kế hoạch và các điều kiện để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu.

Hoài Thu