Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện số 7 gửi các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân trước nguy cơ cơn bão số 2 (còn có tên gọi quốc tế là Talas), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hóa.
Các huyện miền núi chủ động khẩn trương tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Ngoài ra, công điện cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra các công trình hồ đập. Kiểm tra, rà soát và có phương án tiêu nước đệm, tiêu úng cho vùng trũng thấp. Chủ động giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để bảo đảm tốt việc tiêu úng và thoát lũ, chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu.
Các phương tiện tàu thuyền đã được yêu cầu vào bờ để đảm bảo an toàn
Đồng thời, đối với các phương tiện đang hoạt động trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các đài thông tin duyên hải thường xuyên thông báo vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão số 2 cho chủ các phương tiện tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tính đến ngày 15/7, trong tổng số 7.375 phương tiện của toàn tỉnh, có 5.690 phương tiện đang hoạt động trên biển đã được thông tin về diễn biến cơn bão số 2 và vẫn duy trì liên lạc với đất liền.
Bên cạnh đó, trong số các phương tiện đang hoạt động trên biển, có 3.978 phương tiện cùng với 6.126 lao động đang khai thác gần bờ; 1.712 phương tiện với 11.297 lao động đang hoạt động ở vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Nguyễn Thuấn