Tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, có sự hiện diện các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh tỉnh Thanh Hóa và khoảng 1.200 đại biểu đại diện một số tỉnh, thành phố trong nước.

Đặc biệt, có khoảng 400 đại biểu quốc tế, gồm: Đại sứ các nước tại Việt Nam; các tổ chức tài chính quốc tế; các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của một số nước; một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; tham tán đầu tư, thương mại Việt Nam tại một số nước; các tỉnh, thành phố nước ngoài như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Đại diện lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn lớn trong nước và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

5 trụ cột thu hút đầu tư và "3 nhất"

Thanh Hóa: Tổ chức Hội nghị XTĐT lớn nhất từ trước đến nay “rộng cửa” đón các NĐT - Hình 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hoạt động thông suốt, hoàn vốn nhanh và phát triển bền vững.

Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017, trung tâm hành chính công cấp tỉnh, trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã quy định lịch tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, vào ngày 21 hàng tháng; đồng thời, chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí ít nhất 01 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giới thiệu, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư

Với những chủ trương và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, đã và đang triển khai, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, sẽ đạt 03 “nhất”: Hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; Chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; Giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.

Trở thành tỉnh kiểu mẫu trong đầu tư

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Tập đoàn tư vấn Boston giới thiệu các nội dung chính trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các bài tham luận, ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về một số vấn đề liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Tổ chức Hội nghị XTĐT lớn nhất từ trước đến nay “rộng cửa” đón các NĐT - Hình 2

Hội nghị có khoảng 1.200 đại biểu đại diện một số tỉnh, thành phố trong nước tham dự

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị lần này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn sắp tới. Cố gắng thực hiện lời căn dặn của bác Hồ “Thanh Hóa là một tỉnh kinh tế năng động của nước ta”.

Thanh Hóa là vùng đất hiếu học, có nhiều thành tích trong khoa bảng trước và nay. Con người nơi đây cũng năng động, cần cù, sáng tạo. Điều đó cũng đồng nghĩa - hứa hẹn một đội ngũ lao động tinh nhuệ cho đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi như vậy, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu để thu hút các nhà đầu tư.

Tiếp tục đảm bảo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, đây là vấn đề then chốt để thu hút các doanh nghiệp. Chính quyền các cấp cần năng động hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư.

Tỉnh Thanh Hóa cần tập trung hơn đẩy mạnh hơn nữa về các dịch vụ du lịch, cần trú trọng hợp tác, thu hút các nhà đầu tư để phát triển một cách bền vững. Làm ăn bài bản, lâu dài với các nhà đầu tư để vươn đến tầm nhìn thế giới. Phát triển Kinh tế và bảo vệ môi trường cần phải đi đôi với nhau, đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương để người dân hiểu rõ những nguồn lợi từ nhà đầu tư...

Trên cơ sở tham luận và ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, đặc biệt là các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Thông qua hội nghị, cũng là cơ hội để lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng bàn bạc, hợp tác và thúc đẩy sự phát triển, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.

Trong chương trình hội nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ trao cho một số nhà đầu tư quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc 05 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ ký biên bản ghi nhớ đầu tư với một số nhà đầu tư. Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư, các đại biểu sẽ tham quan thực địa tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Di sản Văn hóa thế giới thành Nhà Hồ, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Tại hội nghị, có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư,với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ USD). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.

 Nguyễn Thuấn