Thời gian qua, nhiều hoạt động thương mại phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung... được các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tổ chức đồng loạt thúc đẩy nhu cầu mua sắm tăng.
Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cơ sở, chuỗi cửa hàng cũng đã tìm cách thích ứng, thay đổi mô hình kinh doanh, cân đối lại đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, kết hợp bán hàng đa kênh trên nhiều nền tảng thương mại điện tử, góp phần tạo môi trường kinh doanh đa dạng, phong phú, thích ứng với tình hình mới.
Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xu hướng chuyển đổi số ngày càng được quan tâm, nhất là việc phát triển hạ tầng về công nghệ, thông tin. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa. Qua đó, góp phần thu hút người tiêu dùng, tăng doanh thu.
Theo đại diện các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh như Siêu thị Co.opmart, Trung tâm mua sắm điện máy Nguyễn Kim, FPT shop..., một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh giữ vững sức bật từ đầu năm đến nay là khả năng thích nghi với thị trường rất tốt. Các doanh nghiệp và các mạng lưới bán lẻ đã nhanh nhạy và kịp thời trong việc đầu tư ứng dụng về hình thức mua bán trực tuyến giúp kích cầu tiêu dùng hiệu quả.
Với những phục hồi tích cực, nên hoạt động thương mại tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng 7 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu vẫn đạt hơn 76.173 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Nhằm tạo đà cho thị trường bán lẻ tăng tốc, phát triển hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương:
Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh; tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khai phá điểm nghẽn đầu ra cho sản xuất và xuất khẩu;
Tập trung cho việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đơn hàng mới, mở rộng thị trường; coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại..., góp phần đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thuận lợi, tăng tốc hơn trong thời gian tới.
Lê Nam