Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra cho cây trồng, vật nuôi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Thủy văn Thanh Hóa.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và bị động trong việc phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên địa bàn để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi.
Thành lập ngay các đoàn công tác để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, rét trên địa bàn, nhất là tại khu vực vùng cao, biên giới, những nơi có nguy cơ đàn vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và trưởng các thôn, bản phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi.
Tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho vật nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến cải thiện dinh dưỡng thức ăn cho vật nuôi; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi, đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại; tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng dịch bệnh và sức chống chịu với giá rét; tập trung lực lượng xuống các thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân vào những ngày giá rét không chăn thả và bắt gia súc làm việc sớm, về muộn, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng.
Phối hợp chặt chẽ với các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi, các xí nghiệp thủy nông trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi mùa khô, kết hợp các biện pháp công trình đảm bảo phục vụ sản xuất; điều tiết đủ nguồn nước phục vụ làm đất, gieo mạ, chống rét và chăm sóc cho mạ; khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ Đông đã chín và triển khai phương án sản xuất vụ Xuân theo đúng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ động bố trí nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bị thiệt hại do bão lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi tại các địa phương. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh
Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét tại các địa phương, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Hoài Thu