Thời điểm rét đậm, rét hại cận Tết Nguyên đán 2021 nên bà con nông dân ở các địa phương đã chủ động nắm bắt thông tin thời tiết để thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi, vừa tránh thiệt hại kinh tế, vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định phục vụ thị trường.

Đốt lửa than sưởi ấm cho đàn vật nuôi
Đốt lửa than sưởi ấm cho đàn vật nuôi.

Tính đến tháng 1/2021, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng so với cùng kỳ. Đàn trâu, bò ước đạt gần 122.000 con (tăng 0,24%); đàn lợn đạt 414.880 con (tăng 8,07%), đàn gà đạt hơn 10 triệu con (tăng 4,87%)…

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi đang tích cực vỗ béo cho đàn gia súc, gia cầm để kịp xuất bán trước Tết Nguyên đán, do đó việc chăm sóc được quan tâm, chú trọng hơn.

Chị Nguyễn Thị Dung, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo cho biết: “Trong những ngày thời tiết rét đậm, gia đình tôi không chăn thả bò ngoài đồng mà nuôi nhốt trong chuồng. Các gian chuồng trại đều được tăng cường bóng điện, bạt quây để che gió lùa, trải rơm dưới nền để đàn vật nuôi nằm cho ấm".

Xã Tam Quan là địa phương tập trung nhiều hộ chăn nuôi bò thịt ở huyện Tam Đảo. Áp Tết Nguyên đán 2021, giá bò có xu hướng tăng nhẹ, từ 25-30 triệu đồng/con (trọng lượng mỗi con đạt 250-300kg); riêng giá lợn hơi, gia cầm giảm so với giữa năm 2020.

Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, bên cạnh giữ ấm chuồng trại, các hộ nông dân còn bổ sung khẩu phần ăn giàu vitamin tổng hợp, khoáng chất... để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của ngành thú y.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo: “Thời tiết rét đậm, rét hại khiến đàn lợn, bò dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nên gia đình tôi phải chú trọng việc chăm sóc, phòng bệnh. Cùng với chủ động nguồn thức ăn dự trữ, gia đình tôi còn dùng than củi sưởi ấm và cho đàn vật nuôi uống nước ấm”.

Để hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi cho bà con, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi và thủy sản.

Đối với đàn gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi cần gia cố, tu sửa chuồng trại, đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, có hệ thống rèm, bạt để che chắn đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng; thay đổi lớp đệm lót nền chuồng, kết hợp với điều tiết nhiệt bằng việc đốt lửa than, củi hoặc thắp sáng bóng điện, đèn gas; hạn chế tối đa việc rửa nước chuồng trại trong mùa đông.

Áp dụng các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn thô, xanh, nhất là rơm rạ và cỏ khô cho đàn gia súc; chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua các phụ phẩm trong nông nghiệp. Trong những ngày rét đậm, rét hại có thể cho vật nuôi tăng lượng thức ăn tinh, bổ sung chất điện giải để tăng cường sức đề kháng, chống đói, rét và phòng ngừa dịch bệnh.

Đối với gia súc, gia cầm còn non và trâu, bò già, yếu cần có chế độ chăm sóc phù hợp để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh và giá rét. Có thể làm áo ấm cho bê, nghé bằng bao tải, vải sợi bông nhiều lớp. Những ngày nhiệt độ ngoài trời thấp dưới 12 độ C, bà con không nên chăn thả trâu, bò, cho nghỉ làm việc.

Các hộ cần thường xuyên quét dọn, vệ sinh, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh; định kỳ phun thuốc sát trùng tiêu độc chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh đối với từng loại vật nuôi; theo dõi, phát hiện kịp thời gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh của đàn vật nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định.

Hiện nay, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đang được chăm sóc an toàn, chưa có tình trạng gia súc, gia cầm chết do đói, rét.

Ha Trần