Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của ngành nông nghiệp cả về cơ hội phát triển, hội nhập và thách thức thích nghi, ứng phó. Trong đó, thiên tai khốc liệt như mưa đá, hạn mặn, lũ lụt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất; còn đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành quả đáng kể trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới cho năm 2021.

Tại Vĩnh Phúc, năm 2020 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn với phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Ngay từ tháng 1/2020 đã xảy ra hiện tượng mưa đá và mưa rào, tháng tư đến tháng sáu ảnh hưởng của không khí lạnh và mưa lớn đã tác động bất lợi đến sản xuất trồng trọt khiến diện tích gieo trồng cây hằng năm tiếp tục giảm.

VinEco Tam Đảo ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến xuất khẩu nông sản sạch
VinEco Tam Đảo ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến xuất khẩu nông sản sạch.

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, việc tái đàn còn gặp nhiều khó khăn, do giá con giống quá cao, nguồn cung cấp con giống từ các cơ sở chăn nuôi uy tín, đảm bảo an toàn còn hạn chế, cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi.

Đặc biệt, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ một số nông sản trên địa bàn tỉnh; nguyên liệu, hàng hóa tăng cao, trong khi giá một số loại sản phẩm nông sản còn thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định…

Nhận định rõ những khó khăn, thách thức tác động đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Đề án xác định điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi và các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh; Quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn…

Đồng thời, tỉnh tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi, gắn với tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học.

Ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời cho nhân dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Ngành chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ tưới tiêu, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, thú y, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng ổn định ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất chính. Trong trồng trọt, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển biến rõ nét, tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 70% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh.

Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt gần 86 nghìn ha, tăng 1,1% so với kế hoạch.

Chăn nuôi ngày càng phát triển theo hình thức tập trung quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, trở thành lĩnh vực sản xuất chính trong nông nghiệp, đóng góp trên 52% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Sản xuất thủy sản được duy trì ổn định, đàn cá phát triển tốt, tổng diện tích nuôi trồng đạt gần 7.000ha; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, diện tích nuôi thâm canh được mở rộng, các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; giá thủy sản ở mức khá đem lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ngành Nông nghiệp tập trung các giải pháp tổ chức và chỉ đạo tốt sản xuất; phát triển hạ tầng thủy lợi, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới;

Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp gắn với xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất… phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng trên 1,5% so với năm 2020.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hoàn thành thí điểm dồn thửa đổi ruộng tại 2 xã Ngũ Kiên và Cao Đại (Vĩnh Tường), giao đến các hộ hơn 4.000 thửa, giảm gần 12 nghìn thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng (giảm 74% tổng số thửa).

Các địa phương khác đang tiếp tục thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Thực hiện hỗ trợ gần 8,2 nghìn ha diện tích sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo quy trình VietGAP, với các loại cây trồng như bí đỏ, khoai tây, dưa chuột, ớt, cà chua, rau ăn lá…

Hỗ trợ bình tuyển bò cái nền gần 26 nghìn con, bò đực giống hơn 1.200 con, lợn đực giống hơn 3.200 con, gần 380 nghìn liều tinh lợn ngoại, gần 160 nghìn liều tinh bò thịt, bò sữa chất lượng cao, thay thế lợn nái ngoại hậu bị cấp bố mẹ gần 5 nghìn con.

Hỗ trợ gần 4.700 tấn giống lúa chất lượng cao trên tổng diện tích gieo trồng gần 94 nghìn ha cho người sản xuất. Hỗ trợ chi phí mua cá giống mới với hơn 12 triệu con cá rô phi đơn tính, khoảng 2 triệu con cá chép lai 2, 3 máu và hơn 76 nghìn con cá mè trắng cho tổng diện tích nuôi thủy sản gần 730 ha.

Hỗ trợ gần 3.300 máy sản xuất nông nghiệp, thủy sản; gần 140 công trình xử lý chất thải chăn nuôi; hơn 10 nghìn hầm biogas; gần 6 nghìn đệm lót sinh học trong chăn nuôi…

Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, liên tục tăng trưởng qua các năm với giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích liên tục tăng.

Hoan Nguyễn