Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin cá chết bất thường trên sông Mã, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra nhanh 5 cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã trên địa bàn huyện Bá Thước, Quan Hóa, gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty cổ phần TNHH sản xuất thương mại Đồng Tâm, Hợp tác xã Sông Mã, Công ty TNHH Phú Thành, hộ gia đình bà Phạm Thị Loan và Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước.
Kết quả kiểm tra, cho thấy, Công ty TNHH Tân Thái Thanh (xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) là cơ sở sản xuất giấy vàng mã đang xả thải trực tiếp nước xeo giấy ra sông Mã; hộ gia đình bà Phạm Thị Loan (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước), có cơ sở sản xuất bột giấy, đã lắp đặt cống ngầm xả trực tiếp nước thải ngâm ủ bột giấy ra sông Mã. Sau khi phát hiện, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã lập biên bản ghi nhận hiện trường và đề nghị xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, khi kiểm tra, đoàn đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất giấy vàng mã có công trình xử lý nước thải chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nước tràn bề mặt đang chảy ra sông Mã. Đó là của Công ty cổ phần TNHH sản xuất thương mại Đồng Tâm, (thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) và Hợp tác xã Sông Mã tại xã Phú Nghiêm, (huyện Quan Hóa).
Còn Nhà máy Chế biên tinh bột sắn Bá Thước đã dừng hoạt động sản xuất. Và Công ty TNHH Phú Thành, cũng không có hiện tượng xả thải ra sông.
Trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn huyện Bá Thước, đã xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt
Trước thực trạng trên, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa và Bá Thước chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan vì đã không kịp thời kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã xả thải ra môi trường. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và đơn vị liên quan thường xuyên giám sát các cơ sở sản xuất có nguy cơ xả thải ra môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, thì lập hồ sơ báo cáo cấp trên xử lý.
Mặt khác, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác định nguyên nhân cá chết trên sông Mã và có biện pháp tham mưu xử lý.
Được biết, trước đó, từ đêm 31-3-2020, trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Ban Công, Điền Lư và Thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt.
Đến thời điểm 15 giờ ngày 2-4-2020, tổng số có 34 lồng nuôi cá trắm của 23 hộ nuôi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, với tổng trọng lượng 3 tấn. Ngoài ra, còn có nhiều loại cá, tôm, ếch và một số loại thủy sản tự nhiên trên sông cũng bị chết. Theo phản ánh của chính quyền địa phương và người dân, tại thời điểm có hiện tượng cá chết, nước sông Mã có màu nâu, có váng trên bề mặt.
Ngay khi nhận được thông tin của UBND huyện Bá Thước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường xác định nguyên nhân.
Kết quả cụ thể như sau: Khi kiểm tra, mổ khám cá nuôi lồng cho thấy cá bơi yếu, không ăn; bên ngoài con cá không có biểu hiện bất thường, mổ khám nội tạng bình thường không ghi nhận dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã lây mẫu bệnh phẩm cá chết, mẫu môi trường nước gửi Chi cục Thú y vùng III, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xét nghiệm xác định nguyên nhân cá chết.
Đồng thời, phối hợp cùng UBND huyện Bá Thước rà soát, thống kê thiệt hại, thực hiện thu gom thủy sản chết, tiêu hủy lượng thủy sản chết và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh thủy sản theo quy định.
Hoài Thu