Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Sở Công Thương Thanh Hóa, từ nay đến cuối năm 2021, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hoạt động bán lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn bị tác động do tâm lý lo ngại về dịch bệnh có thể xuất hiện trở lại, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm các nhóm hàng hóa thiết yếu và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết. Hoạt động du lịch chưa thể phục hồi nhanh chóng nên sẽ ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Hiện, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã linh hoạt, tích cực tìm các giải pháp phù hợp để duy trì và từng bước ổn định hoạt động kinh doanh; chủ động đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường trong những tháng cuối năm để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. 

Trước tình hình đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong điều kiện mới. Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước khôi phục, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động nhằm phục hồi tăng trưởng công nghiệp, thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động thương mại hoạt động trở lại bình thường, ổn định chỉ số giá tiêu dùng, không có trường hợp khan hàng, tăng giá.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm, các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022; phối hợp với các lực lượng chức năng bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

 Hoài Thu