Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 9 cơ sở sản xuất có các nhà máy đặt dọc sông Mã đoạn qua 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa.
Các cơ sở sản xuất này bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện nhiều vi phạm như lắp đặt máy bơm xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã, không lưu chất thải rắn, xây dựng nhà xưởng trái quy định...
Cụ thể danh sách các cơ sở sản xuất bị xử phạt gồm: Hợp tác xã chế biến lâm sản Quan Hóa (bị phạt 175 triệu đồng), Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 1, bị phạt 180 triệu đồng), Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 2, bị phạt 160 triệu đồng), Hợp tác xã Xuân Dương (bị phạt 140 triệu đồng), Công ty Duyệt Cường (bị phạt 160 triệu đồng), Hợp tác xã Hà Long (bị phạt 300 triệu đồng), Công ty đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn (bị phạt 130 triệu đồng), Công ty thương mại vận tải Hoàng Vân (bị phạt 110 triệu đồng) và Hợp tác xã Hợp Phát (bị phạt 120 triệu đồng).
Các nhà máy bị dừng hoạt động 30 đến 90 ngày, buộc phải khắc phục vi phạm gây ra mới được sản xuất trở lại.
Trước đó, liên quan đến vụ cá lồng nuôi, cá tự nhiên trên Sông Mã chết bất thường, ngày 6/4/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra Văn bản hỏa tốc số 4167/UBND-NN gửi các cơ quan về việc đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã trên địa bàn huyện Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa) để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác định nguyên nhân cá chết trên sông Mã và có biện pháp tham mưu xử lý.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa và Bá Thước chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan vì đã không kịp thời kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã xả thải ra môi trường. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và đơn vị liên quan thường xuyên giám sát các cơ sở sản xuất có nguy cơ xả thải ra môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền.
Lê Nam