Chung sức, đồng lòng vượt thử thách

Ngày 1/12/2021, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh Khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 mở rộng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm những quyết sách để tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Theo Bí thư Thành ủy, 2021 là năm rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khi phải ứng phó với đại dịch Covid-19. Toàn hệ thống chính trị cùng các tầng lớp Nhân dân thành phố đã chung sức đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19; từng bước vượt qua thử thách và đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào trạng thái “bình thường mới”. Từ thực tiễn ứng phó với đại dịch, thành phố đã rút ra một số bài học quan trọng và chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh.

Mặc dù, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đến mọi mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên, bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố vẫn có nhiều điểm sáng, bài học thành công trong gian khó. Kim ngạch xuất khẩu giữ được ổn định; nhiều doanh nghiệp trụ vững và quay lại thị trường nhờ biết thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin…

Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại ngay trong trạng thái “bình thường mới”
Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại ngay trong trạng thái “bình thường mới”. (Ảnh: KT)

Quý I/2021, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến hết quý II, có sự chững lại và những tháng cuối năm 2021 thì sụt giảm nghiêm trọng.

Theo dự toán, năm 2021, thành phố có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, 14 chỉ tiêu không hoàn thành và 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Dù vậy, vẫn có một số điểm sáng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.

“Mặc dù có khả năng thành phố sẽ không hoàn thành một số chỉ tiêu nếu tình hình dịch bệnh vẫn chiều hướng xấu, nhưng với sức bật, khí thế và sự quyết tâm cao độ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được mọi thử thách và hoàn thành mục tiêu đề ra”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết.

Phấn đấu GRDP năm 2022 từ 6 - 6,5%

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả". Thành phố Hồ Chí Minh từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội một cách vững chắc, an toàn, trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược, kế hoạch đã đề ra.

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi xác định, năm 2022, các vấn đề đặt ra trong thời gian tới đối với Thành phố Hồ Chí Minh là rất nặng nề đó là xây dựng, kết nối và sử dụng dữ liệu phục vụ phòng chống dịch Covid-19, điều hành kinh tế - xã hội và quản trị thành phố; công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, phát huy các nguồn lực phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội…

Với nỗ lực không mệt mỏi, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch
Với nỗ lực không mệt mỏi, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch. (Ảnh: KT)

Việc thực hiện chủ đề năm 2021 đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, để thích ứng linh hoạt, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó, bảo đảm trụ cột y tế là hàng đầu, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; huy động các nguồn lực phát triển.  

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; xây dựng và thực hiện đề án quản lý hiệu quả tài sản công, nhà - đất công; thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đối tác công - tư (PPP). Hoạt động đối ngoại tập trung khai thác về chiều sâu hợp tác giữa thành phố và các địa phương, tổ chức quốc tế.

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; thống nhất về mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động.

"Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6 -6,5%. Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao, nhưng thành phố có cơ sở và niềm tin", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.

Vũ Lê