Tăng cường phối kết hợp trong kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu thông trên thị trường.
Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tiến hành test nhanh 33 mẫu xăng tại 16 cơ sở trên thị trường Hà Nội. Kết quả: 04/33 mẫu xăng có trị số thấp hơn mức công bố. Qua test nhanh, Đoàn kiểm tra đã lấy 03 mẫu để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, kết quả: 03/03 mẫu đạt. Khảo sát chất lượng 36 mẫu xăng E5 RON 92-II trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, kết quả: 12/36 mẫu đạt, 04/36 mẫu không đạt chỉ tiêu etanol, 20 mẫu đang chờ kết quả thử nghiệm.
Đoàn kiểm tra đã tạm dừng lưu thông và yêu cầu các cơ sở khắc phục về ghi nhãn đối với 28/231 mẫu (200 hộp/chai) thực phẩm đóng gói sẵn, 02/08 mẫu điện – điện tử, 02/10 bình LPG và 10/78 mẫu vàng, trang sức mỹ nghệ, 01/08 mẫu mũ bảo hiểm.
Ảnh minh họa
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã tiến hành lấy 05 mẫu thử nghiệm là các mũ bảo hiểm cung cấp cho các hợp đồng quảng cáo, kết quả: 05/05 mẫu đều không đạt. Đoàn kiểm tra đã thông báo tạm dừng sản xuất, lưu thông và lập hồ sơ vi phạm chuyển Thanh tra Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh xử lý. Thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 129 lô xăng dầu nhập khẩu, không có lô nào vi phạm về chất lượng, hồ sơ nhập khẩu đầy đủ.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước được Chính phủ giao, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả đã được Ban Chỉ đạo 389 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quan tâm chỉ đạo triển khai và đã thu được kết quả tích cực. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ KH&CN đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), góp phần tích cực trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh chân chính, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của thanh tra Bộ KH&CN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được tích cực triển khai.
Tuy nhiên, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật còn trùng lặp, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra mọi lúc mọi nơi. Nhận thức pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật vẫn còn có những hạn chế về hình thức, mới chỉ tập trung nhiều cho các hoạt động hội nghị, hội thảo quy mô còn khiêm tốn, nội dung chưa đa dạng, chưa phù hợp đối với một số nhóm đối tượng và chưa có sự lan tỏa sâu trong công chúng, doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng đã được tăng cường, tuy nhiên do lực lượng mỏng, kinh phí có hạn, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Đa số các cuộc thanh tra xử lý xâm phạm quyền SHTT phát sinh trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền SHTT nên thường bị động. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ KH&CN còn được giao một số vụ việc phát sinh cần phải xử lý gấp và báo cáo trực tiếp Thanh tra Chính phủ. Đây thường là các vụ việc có nội dung phức tạp, đòi hỏi xử lý nhanh và phối hợp liên ngành, đa ngành.
Trong thời gian tới, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp cũng như hướng dẫn đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng để dân biết, hiểu, phát hiện giúp các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng; tẩy chay các hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng giả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm.
Tăng cường quyền lực cho lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, công chức làm công tác thanh tra. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các công chức có hành vi bao che, dung túng, bảo kê những hành vi vi phạm pháp luật.
Dự báo, trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức với những thủ đoạn tinh vi và diễn ra trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt là các đầu mối nhập khẩu, cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, siêu thị.
Thanh tra Bộ KH&CN xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo 389; xem xét, quyết định nội dung Thanh tra chuyên đề diện rộng trên toàn quốc đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa thiết yếu có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng, trật tự an toàn xã hội.
Triển khai thanh tra theo kế hoạch và chỉ đạo thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; có sự phối hợp với các lực lượng thực thi quyền SHTT đối với một số mặt hàng thiết yếu hoặc có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thường bị giả mạo hoặc xâm phạm quyền SHTT; các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu; hàng đóng gói sẵn...; Tăng cường phối kết hợp trong kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật ngàyngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu thông trên thị trường.
Theo BCĐ 389