Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, dù là tỉnh đầu tiên có trường hợp dương tính với Covid-19 nhưng Vĩnh Phúc không phải địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cao nhất.
Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp FDI trên địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh là 73%, thấp hơn so với bình quân cả nước (74,5%). Trong đó, 49% doanh nghiệp bị ảnh hưởng về chuỗi cung ứng, 67% doanh nghiệp khó khăn tiếp cận khách hàng, 40% doanh nghiệp gặp khó trong quản trị lao động và 47% doanh nghiệp bị tác động bởi dòng tiền.
Với những khó khăn này, 71% doanh nghiệp FDI Vĩnh Phúc bị giảm doanh thu trong năm 2020, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 62% của khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy vậy, mức giảm doanh thu của doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là 27%, thấp hơn so với mức giảm trung bình vùng là 34% và cả nước là 33%.
Nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, không để gián đoạn sản xuất, doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc chủ động đẩy mạnh các giải pháp dự trữ hàng hoá, áp dụng cách làm mới linh hoạt, tìm kiếm chuỗi cung ứng mới, áp dụng tự động hoá và cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động… Trong đó, có tới 82% doanh nghiệp được khảo sát áp dụng biện pháp cấp đồ bảo hộ phòng dịch để duy trì sản xuất.
Khảo sát cũng cho biết, với những giải pháp kịp thời của tỉnh Vĩnh Phúc trong phòng chống dịch bệnh, hơn 86,4% doanh nghiệp FDI trên địa bàn đồng tình với các biện pháp chống dịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương nhằm vượt qua dịch bệnh để duy trì và phục hồi sản xuất.
PV