Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Đồng tình chuyển 14 Điều của Luật Giáo dục năm 2019 sang Luật Nhà giáo

Về việc tách toàn bộ các quy định liên quan tới nhà giáo trong Luật Giáo dục năm 2019, đại biểu Lê Xuân Thân đồng tình chuyển 14 Điều của Chương 4 Luật Giáo dục năm 2019 (từ điều 66 đến Điều 79) ra khỏi Luật Giáo dục và chuyển toàn bộ các chương, điều này vào Luật Nhà giáo. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 1 Điều 48 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Về chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hai khái niệm “người có trình độ cao” và “người có tài năng”. Đại biểu cho rằng, nên sử dụng cụm từ “người có trình độ cao trong lĩnh vực giáo dục” cho cụ thể, rõ ràng, minh bạch, cụ thể để chúng ta thu hút được đội ngũ nhà giáo có trình độ cao và tài năng vào đội ngũ nhà giáo. 

Liên quan đến Điều 45 của dự thảo quy định về xử lý vi phạm, đại biểu nhận thấy,  trong pháp luật của nước ta từ Hiến pháp cho tới các luật đều sử dụng cụm từ là “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”, tuy nhiên tại khoản 1 Điều này lại bỏ cụm từ “tính mạng, sức khỏe” mà chỉ đề cập đến “uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo”. Do dó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cho đầy đủ các đối tượng được pháp luật bảo vệ. 

Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, quy định tại khoản 2 Điều 45 của dự thảo Luật có mâu thuẫn với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự. Các tình tiết tăng nặng được quy định thống nhất ở Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, các tình tiết tăng nặng được quy định ở Điều 10 của Luật. Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, đây là những quy định chung để áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực chuyên ngành, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.

Các đại biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.
Các đại biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.

Bảo đảm môi trường dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo tâm huyết, yên tâm với nghề 

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Bắc Giang cho rằng, dự án Luật Nhà giáo hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ đông đảo các nhà giáo và xã hội. Đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng dự án Luật này, cần quan tâm đến việc xây dựng được môi trường dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo tâm huyết, yên tâm với nghề…

Đại biểu cho biết, hiện còn thiếu quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ này. Giáo viên hiện nay gặp khó khăn trong việc thực hiện biện pháp kỷ luật đối với học sinh. Có nhiều giáo viên cảm thấy học sinh và cha mẹ học sinh đang có quá nhiều quyền, trong khi quyền của giáo viên chỉ mang tính hình thức. Khi cần thực hiện các biện pháp nghiêm khắc, giáo viên còn lo ngại về phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện từ phía gia đình học sinh. 

Do vậy, một số giáo viên có xu hướng làm việc không tích cực, không phát huy hết năng lực, trí tuệ và tâm huyết. Nguyên nhân là do áp lực công việc ngày càng cao, cảm thấy không được tự chủ và thiếu sự tôn trọng, hợp tác từ phía học sinh và cha mẹ học sinh, dẫn đến tình trạng chán nản, muốn chuyển nghề hoặc về nghỉ hưu sớm…

Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm các chính sách nhằm tạo lập môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tâm huyết với nghề. Đại biểu cho rằng, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể cần được thiết lập và bổ sung các quy định cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Cần có quy định cụ thể bảo vệ nhà giáo
Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Cần có quy định cụ thể bảo vệ nhà giáo.

Cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn Ninh Thuận cho rằng, điều này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Góp ý về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo tại khoản 1 Điều 7, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa bao hàm hết các hoạt động của nhà giáo. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cần xem xét trên tổng thể quá trình hoạt động của một nhà giáo bao gồm quá trình giảng dạy, hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cho người học. Ngoài ra còn bao hàm cả quá trình công tác với đồng nghiệp, tham gia các hoạt động quản lý của một nhà giáo… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo đề nghị xem xét, điều chỉnh lại nội dung tại khoản 1 Điều 7.

Về những việc mà nhà giáo không được làm, tại điểm c, khoản 2, Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Do đó, đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.

Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng. 

Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Ảnh internet.
Thảo luận về dự án Luật Nhà giáo: Bảo đảm môi trường dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo tâm huyết, yên tâm với nghề. Ảnh internet.

Cần có quy định cụ thể bảo vệ nhà giáo

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng. Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.

Đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay. 

Đối với quy định về công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu cho biết, thời gian gần đây một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, có g hành vi phản cảm trong môi trường tôn nghiêm trong môi trường sư phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo và ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh, cũng như giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy. 

Tại khoản 3 Điều 10 đã quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy tắc ứng xử của nhà giáo nhưng cần rà soát quy định tại các điều, khoản khác để làm rõ hơn các quy định của nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi, bạo lực xúc phạm nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh. Các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.

Tại Điều 34 của dự thảo luật về bồi dưỡng nhà giáo chỉ mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hoặc năng lực quản lý, mà chưa có nội dung về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định nội dung về đào tạo nâng cao chuẩn mực đạo đức và hành vi cho nhà giáo.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo, đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính vào Điều 26 chính sách hỗ trợ nhà giáo hoặc Điều 27 chính sách thu hút nhà giáo.

PV (lược ghi)