Chưa có thông tin chính thức về việc có giãn lộ trình thay đổi cách tính lương hưu
Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về việc có giãn lộ trình thay đổi cách tính lương hưu áp dụng với nữ từ 1/1/2018 hay không. Chính vì thế, tại các Trung tâm giám định sức khỏe số người đến xin giám định để nghỉ hưu sớm tăng đột biến, có địa phương tăng gấp 3 lần so với bình thường.
Trước những bất cập trong việc thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018 theo khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều người kỳ vọng vấn đề này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, kỳ họp đã kết thúc và vấn đề thay đổi cách tính lương hưu đã không được đặt ra nên nhiều người vẫn còn rất băn khoăn.
Cụ thể, lương hưu của lao động (LĐ) nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, có nghe thông tin ở các địa phương, lao động nữ giám định sức khỏe nghỉ hưu sớm tăng hơn. Việc này không có gì là lạ, vì người lao động tính toán có lợi cho họ thôi.
Tuy nhiên, hiện chưa có con số chính thức về số người xin nghỉ hưu non, ông Phạm Lương Sơn đề nghị Ban Chính sách xã hội cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường - Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TBXH) cho biết: Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua có 1 số ý kiến liên quan đến việc thay đổi cách tính lương hưu. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu và cử tri, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ và Thường trực Chính phủ. “Vấn đề này được quy định trong Luật nên điều chỉnh là thẩm quyền của Quốc hội.
Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về nội dung này. Phương án thế nào thì vẫn phải chờ Quốc hội. Theo Luật BHXH thì khoản 2, Điều 56 không có lộ trình nên đề xuất có phương án áp lộ trình để mức độ chênh lệch của người nghỉ hưu năm trước và năm sau không quá lớn” – ông Cường nói.
Ông Nguyễn Duy Cường cũng lưu ý người lao động nên cân nhắc việc giám định sức khỏe để nghỉ hưu non, bởi không phải ai về hưu sớm cũng có lợi, mỗi năm nghỉ sớm sẽ bị trừ đi 2% lương.
Trước đó, tại cuộc hội thảo quốc tế về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho VN. Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay một trong những giải pháp đã được đưa ra để đảm bảo cân đối quỹ là mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Để thu hút người lao động tham BHXH, ông Sơn đề xuất: “Nguyện vọng của người lao động khi đóng BHXH là về sau có lương hưu hằng tháng, nhưng quy định hiện nay thời gian đóng quá dài, quá xa khiến người lao động không tiếp cận được. Cần giảm thời gian hưởng tối đa xuống để người lao động tiếp cận với chính sách”.
Cũng tại hội thảo Tại hội thảo, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), băn khoăn: “Trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng cho Quỹ BHXH. Tính trung bình, thời gian hưởng lương hưu là 24,7 năm (nam là 22,5 năm, nữ là 26,9 năm).
Thời gian đóng bình quân là 28 năm với tỷ lệ 21%, trong khi thời gian hưởng là 24,7 năm với tỷ lệ hưởng là 70,2%. Nguyên tắc định phí BHXH để hưởng 20 năm phải đóng 40 năm. Trong khi tiền đóng BHXH trong 28 năm chỉ đủ trả trong vòng 8 năm. Vậy ai sẽ chịu “gánh nặng” khi thời gian hưởng trung bình là 24,7 năm?”.
Anh Anh