Tại buổi họp có Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an; Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an.

Thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử - Hình 1

Bộ Công an tổ chức họp báo về việc thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử

Cải cách TTHC, đơn giản hóa giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư đang là một chủ trương hết sức quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy, ngày 08/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 896 về việc phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Trong đó, giao Bộ Công an khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời làm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử. Qua đó, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Phát biểu tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 30/10/2017, điều chỉnh đơn giản hóa trên 8 lĩnh vực; trong đó 2 lĩnh vực được người dân và dư luận quan tâm nhất là: Cấp quản lý Chứng minh nhân dân (CMND) và đăng ký quản lý cư trú. Việc cấp CMND, Nghị quyết quy định bãi bỏ các thủ tục cấp, thay thế số CMND bằng số định danh cá nhân. Quy định này thay thế quản lý thủ công bằng quản lý công nghệ (ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý cư trú). Bản chất quản lý không thay đổi, chỉ cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ liên quan.

Thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử - Hình 2

Thiếu tướng Lương Tam Quang phát biểu trong cuộc họp báo

Thiếu tướng Lương Tam Quang cũng khẳng định, để cải cách hành chính 8 lĩnh vực trên, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi: 01 Luật (Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Cư trú); sửa đổi 07 Nghị định. Ngoài ra phải sửa đổi 05 Thông tư liên tịch, 18 Thông tư của Bộ Công an và 01 Quyết định của Bộ Công an.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên xung quanh vấn đề bãi bỏ các nhóm TTHC về cấp, quản lý CMND; bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu”, “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông tin mã định danh cá nhân…, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nêu rõ: Theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 112/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an căn cứ vào phương án đơn giản hóa TTHC để chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất, sửa đổi bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với thời điểm vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc đơn giản hóa TTHC, các giấy tờ liên quan đến quản lý công dân phụ thuộc vào tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chỉ sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới có cơ sở để các bộ, ngành xây dựng phương án và đề xuất lộ trình đơn giản hóa TTHC, các giấy tờ liên quan đến quản lý công dân cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi. Do vậy, thông tin về việc bỏ Sổ hộ khẩu và CMND kể từ ngày 30/10/2017 như một số báo đã đăng tải là không chính xác, mà sẽ có lộ trình thực hiện trong thời gian tới. Hiện tại, Sổ hộ khẩu và CMND vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và việc xóa bỏ các loại giấy tờ này đang được Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện theo lộ trình.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, hiện tại nước ta đang có ba loại giấy tờ chứng minh nhân thân, bao gồm: CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số), thẻ Căn cước công dân. Cả ba loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau. Hiện tại Bộ Công an đã tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp CMND (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh, thành phố.

Theo lộ trình năm 2020, sẽ bảo đảm việc mở rộng và cấp thẻ Căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc, khi đó thẻ Căn cước công dân sẽ dần thay thế cho CMND hiện nay. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền sử dụng CMND chưa hết hạn. Đến thời điểm này sẽ bỏ Sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay, thay vào đó là quản lý thẻ Căn cước công dân và mã số định danh cá nhân…

Gia Huy