Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2016, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, đồng thời quy định quyền tài sản là một loại tài sản và là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Vì vậy, các sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký sở hữu trí tuệ có thể được coi là tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên phía ngân hàng cho rằng, việc thế chấp đối với quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế một phần do chưa có những cơ quan có khả năng đánh giá, định giá tài sản thế chấp bằng sở hữu trí tuệ

Phần khác do giá trị của quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo đảm trong chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp đó, khó chuyển giao khi phải xử lý tài sản bảo đảm. Đây là tài sản vô hình, trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng sẽ khó có thể bán được bằng sáng chế đó cho bên thứ 3

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp chưa chứng minh phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi sẽ là khó khăn, tạo áp lực rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay.

NHNN chỏ ra nguyên nhân do quy định pháp lý thiếu nhất quán. Nếu tổ chức tín dụng cho vay với tài sản đảm bảo như vậy nhưng khi ra tòa không được công nhận thì rủi ro đẩy về tổ chức tín dụng.

Để khắc phục bất cập về định giá quyền sở hữu trí tuệ, nhiều ý kiến cho rằng cần có các tổ chức định giá chuyên nghiệp. Đặc biệt, các quyền sở hữu trí tuệ phải được đứng đằng sau là các doanh nghiệp để biến các sáng chế thành sản phẩm, dịch vụ thương mại mới có khả năng vay vốn, có thể thông qua ngân hàng hay các quỹ đầu tư.

NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý để triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Đảng và Chính phủ; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Cùng với đó, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Ngọc Khánh