Thế giới 2017:

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Chính sách “nước Mỹ trên hết” gây chấn động thế giới 

Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1, ông Donald Trump giương cao ngọn cờ “nước Mỹ trên hết”. Sau khi nhậm chức không lâu, ông tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời đến tháng 6 và tháng 10/2017 Mỹ tiếp tục lần lượt rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc. 

Ông Donald Trump còn từ chối thừa nhận Thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, nhiều lần yêu cầu đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, đồng thời chấm dứt tham gia tiến trình “Hiệp ước Di trú Toàn cầu” của Liên hợp quốc. Một loạt hành động “rút lui” của Mỹ đã tạo ra sự không chắc chắn nghiêm trọng đối với tương lai của rất nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. 

Theo đánh giá của báo chí Nhật Bản, không theo đuổi các giá trị và trật tự trừu tượng, mà theo đuổi những lợi ích thiết thực là cốt lõi của chính sách “nước Mỹ trên hết”. Nhiều chuyên gia phương Tây lo ngại các hành động của ông Donald Trump đã làm suy yếu vị thế của nước Mỹ, cũng làm suy yếu vị thế của các nước phương Tây khi thiếu “nhà lãnh đạo”. 

Viên Bằng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng ông Donald Trump lần lượt rút khỏi nhiều cơ chế, thỏa thuận quốc tế đã gây ra “xung đột” liên tiếp cho cộng đồng quốc tế, không chỉ làm cho các di sản ngoại giao chủ yếu nhất của cựu Tổng thống Barack Obama bị hủy hoại trong chốc lát, mà còn gây ra cuộc khủng hoảng mới trong quản trị toàn cầu. 

Viên Bằng cho rằng, khuynh hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chính sách đi ngược lại toàn cầu hóa của ông Donald Trump đã tạo ra tính không xác định to lớn cho kinh tế thế giới. Việc thực hiện tư tưởng và chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump đã thể hiện rõ tính chất “tư lợi, vụ lợi” của bá quyền Mỹ.

Thế giới 2017:

Bà Park Geun-hye mất chức Tổng thống Hàn Quốc vì nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực (Ảnh: Cankao)

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ra đi

Ngày 30/3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc thông qua quyết định luận tội đối với Tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun-hye. Bà Park Geun-hye lập tức bị miễn chức, trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử phải ra đi vì luận tội. 

Ngày 31/3, Tòa án Hàn Quốc ký lệnh bắt giữ đối với bà Park Geun-hye, bà Park Geun-hye lập tức bị di chuyển đến trại tạm giam Seoul. Ngày 17/4, Viện kiểm sát Hàn Quốc đã tiến hành truy tố bà với các tội danh là nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Ngày 23/5, bà Park Geun-hye ra tòa. 

Sự việc của bà Park Geun-hye đã gây chia rẽ trong đảng Saenuri và làm thay đổi lớn chính trường Hàn Quốc. Ngày 9/5, Hàn Quốc buộc phải tổ chức sớm cuộc bầu cử Tổng thống, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hàn Quốc là ông Moon Jae-in đã trúng cử.

Theo đánh giá của Dương Bá Giang, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, vụ việc của bà Park Geun-hye đã phản ánh căn bệnh trầm kha của nền chính trị Hàn Quốc. Truyền thống thống nhất giữa quan chức và thương nhân đã xung đột mạnh mẽ với chế độ kiểm sát trưởng độc lập của tam quyền phân lập. Những quan niệm, hành động chính trị kiểu cũ đã đối lập với thời đại thông tin. Bi kịch của bà Park Geun-hye thuộc về toàn thể Hàn Quốc. 

Thế giới 2017:

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: ABC)

Năm “siêu bầu cử” ở châu Âu

Năm 2017, châu Âu chào đón “Năm siêu bầu cử”. Ngày 15/3, Hà Lan tổ chức bầu cử nghị viện, đảng Dân chủ tự do cánh hữu truyền thống giữ được vị thế đảng lớn nhất. 

Ngày 7/5, ứng cử viên đảng Nền cộng hòa tiến bước Pháp chủ trương “vượt qua cánh tả, cánh hữu” là ông Emmanuel Macron đã đánh bại đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước này. 

Tháng 9/2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel mặc dù đã tái cử, nhưng liên minh do bà lãnh đạo không có đa số ổn định, Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD), một chính đảng cực hữu đã vươn lên trở thành đảng lớn thứ ba của Đức. Tháng 12/2017, Áo trở thành quốc gia duy nhất ở Tây Âu có một đảng cực hữu trong Chính phủ. 

Theo các chuyên gia phương Tây, tương lai của châu Âu tùy thuộc vào những cuộc bầu cử này. Sự ủng hộ đối với các ứng cử viên theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đã cho thấy những người trẻ tuổi của phương Tây phổ biến coi nhẹ tư tưởng dân chủ. 

Còn Vương Nghĩa Ngôi, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu EU, Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng chính trường châu Âu năm 2017 chưa có thêm nhiều hơn “thiên nga đen”, nhưng cục diện chính trị tiếp tục bất ổn. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc của châu Âu đã gây khó khăn cho nhất thể hóa, những mâu thuẫn giữa ba yếu tố gồm chủ quyền, tự do và an ninh tiếp tục gia tăng. Đây là nỗi đau lâu dài của châu Âu. 

Vương Nghĩ Ngôi còn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị ở châu Âu còn có hậu quả chính trị của khủng hoảng nợ, khủng hoảng khu vực đồng Euro ngày càng gia tăng, cộng với các sự kiện khủng bố liên tiếp xảy ra, cảm giác không an toàn và tâm lý không chắc chắn của người châu Âu, thúc đẩy phát triển các phong trào chống lại thể chế và xu hướng coi trọng tính độc lập của quốc gia. 

Thế giới 2017:

Khủng bố xảy ra nhiều ở châu Âu trong năm 2017 (Ảnh: Cankao)

“Sói đơn độc” khủng bố ở châu Âu

Năm 2017, dư luận quốc tế chứng kiến một loạt vụ khủng bố ở các thành phố lớn của châu Âu như London, Paris, Barcelona, đó là những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu do những con “sói đơn độc” bị các tổ chức cực đoan tẩy não tiến hành. 

Từ cuối tháng 3 đến tháng 9/2017, ở nước Anh ít nhất xảy ra 5 vụ tấn công khủng bố. Ngày 6/6, ở quảng trường trước Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp đã xảy ra vụ một người đàn ông dùng búa đe dọa người đi đường và tấn công một sĩ quan cảnh sát. 

Ngày 17/8, ở trung tâm thành phố Barcelona, Tây Ban Nha và khu vực cách thành phố này hơn 100 km về phía nam đã liên tiếp xảy ra khủng bố với thủ đoạn dùng xe tải để đâm người đi đường. 

Theo báo chí phương Tây, những kẻ tấn công khủng bố có thể bị kích động bởi tư tưởng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) hoặc đã tiếp nhận huấn luyện chuyên nghiệp của tổ chức này. Điều này làm cho phương Tây rất lo ngại. Đối mặt với chủ nghĩa khủng bố, các nước phương Tây phản ứng quá chậm chạp, thiếu sự phối hợp về phương thức và phương pháp. 

Theo đánh giá của chuyên gia Lý Vĩ, trợ lý đặc biệt của viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, các vụ khủng bố ở châu Âu năm 2017 có một số đặc điểm mới, ngoài tiếp tục tấn công theo kiểu “sói đơn độc”, thì các công cụ, phương tiện khủng bố đã trở nên đa dạng hóa, tiện lợi hóa, đặc biệt là sử dụng xe tải để đâm ngày càng nhiều. 

Chuyên gia Lý Vĩ còn cho rằng các vụ khủng bố ở các nước châu Âu có tỷ lệ cao, lại đúng vào lúc cộng đồng quốc tế không ngừng đạt được tiến triển quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, nguyên nhân sâu xa ở chỗ: “Nhà nước” trong “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã bị tiêu diệt, nhưng tư tưởng của tổ chức này vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả; thắng lợi về quân sự trong chống khủng bố hoàn toàn không giải quyết được vấn đề căn nguyên, mảnh đất nảy sinh chủ nghĩa khủng bố trở nên màu mỡ hơn.

Thế giới 2017:

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên (Ảnh: Cankao)

Tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên

Hãng tin KCNA Triều Tiên ngày 3/9 cho biết Viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã nghiên cứu chế tạo thành công bom H có thể lắp ở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp thị sát và yêu cầu nội địa hóa toàn diện. 

Triều Tiên còn nhiều lần tiến hành thử tên lửa đạn đạo, đặc biệt là đến tháng 11/2017 Triều Tiên tuyên bố tên lửa xuyên lục địa của họ đã có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. 

Đối mặt với việc Triều Tiên tăng tốc thử vũ khí hạt nhân và tên lửa, Mỹ cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản liên tiếp tổ chức tập trận gây sức ép với Triều Tiên; Mỹ và Triều Tiên không ngừng tiến hành khẩu chiến “cứng đối cứng”; Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiều lần ra nghị quyết tiến hành trừng phạt… Tình hình bán đảo Triều Tiên vô cùng căng thẳng.

Theo đánh giá của báo chí phương Tây, việc Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân cho thấy Washington phải tiến hành điều chỉnh lớn chính sách đối với bán đảo Triều Tiên. Nếu ông Donald Trump muốn tránh một cuộc chiến tranh lớn thì ông chỉ có thể hợp tác với Trung Quốc và Nga để giải quyết vấn đề trong cuộc xung đột này. 

Còn theo đánh giá của nhà nghiên cứu Lữ Siêu, Viện khoa học xã hội tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Triều Tiên đã đánh con “át chủ bài” là lấy bom H để đe dọa Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: Nếu Mỹ buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ các đồng minh thì sẽ không có sự lựa chọn nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”, ý đồ uy hiếp của ông rất rõ ràng. Trước tình hình đó, Trung Quốc kêu gọi các bên giữ kiềm chế, tránh kích động lẫn nhau. Trung Quốc tuyên bố không để xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.

Thế giới 2017:

Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông có bước ngoặt mới (Ảnh: Cankao)

Bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông

Ngày 3/11, quân đội chính phủ Syria hoàn toàn thu hồi Deir Ezzor, thành phố lớn cuối cùng do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) kiểm soát. Cùng kỳ, quân đội chính phủ Iraq tấn công vào sào huyệt cuối cùng của IS trên lãnh thổ của họ, đánh dấu cuộc chiến chống IS giành được thắng lợi mang tính bước ngoặt. Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông bước vào thời đại “hậu IS”.

Theo đánh giá của báo chí phương Tây, mặc dù IS đã bị thất bại với tư cách là một thực thể lãnh thổ, nhưng triển vọng hầu như không hề lạc quan đối với phương Tây. Syria năm 2017 trở thành đấu trường giữa các nước lớn, đứng đầu là Mỹ và Nga. Các bên tham chiến đã tham gia vào một cuộc “chạy nước rút” để khôi phục hòa bình ở đó. Hiện nay Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã “dẫn trước”.

Theo đánh giá của giáo sư Mã Hiểu Lâm, chuyên gia vấn đề Trung Đông, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc, cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông giành được thắng lợi mang tính quyết định, nhưng sứ mệnh chống khủng bố vẫn nặng nề. 

Trước hết,các thế lực tàn dư của các phần tử vũ trang IS có thể sẽ mở căn cứ địa mới. 

Thứ hai, IS sẽ huy động những kẻ đi theo trên toàn cầu phát động các cuộc tấn công theo hướng phân tán, ở nhiều địa điểm và crowdsourcing (sử dụng internet), tiến hành báo thù và khẳng định sự tồn tại. 

Thứ ba,nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq sẽ nhường cho cuộc đối đầu địa - chính trị, tranh giành ảnh hưởng trầm trọng hơn giữa các nhóm sắc tộc và ở bên ngoài, cuộc đấu tranh phe phái gay gắt hơn giữa các tôn giáo xuyên quốc gia, những khó khăn kinh tế và an ninh của các nước chuyển đổi đều sẽ tạo ra “mầm họa” cho sự quay trở lại của các thế lực khủng bố.

Thế giới 2017:

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phải ra đi (Ảnh: Cankao)

Ông Robert Mugabe bị ép từ chức Tổng thống Zimbabwe

Sáng sớm ngày 15/11, quân đội Zimbabwe đã triển khai hành động quân sự, kiểm soát toàn diện các cơ quan quan trọng của chính phủ, đồng thời thông qua đài truyền hình quốc gia tuyên bố phủ nhận phát động đảo chính quân sự. 

Ngày 19/11, đảng cầm quyền Zanu-PF Zimbabwe đã tổ chức hội nghị Trung ương đặc biệt, quyết định cách chức chủ tịch kiêm bí thư thứ nhất của Tổng thống Robert Mugabe, đồng thời yêu cầu ông Mugabe từ chức Tổng thống trước trưa ngày 20/11. 

Ở tuổi 93, vào ngày 21/11, ông Robert Mugabe cho biết ông tự nguyện từ chức Tổng thống. Đến đây, thời đại cầm quyền 37 năm của ông Mugabe đã kết thúc.

Theo đánh giá của báo chí phương Tây, đây hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa nhân dân chống lại chuyên chế, mà là một cuộc “chính biến cung đình” trong nội bộ đảng cầm quyền. Sau khi ông Mugabe bị quân đội và chính đảng của mình từ bỏ, Zimbabwe đang bước vào một thời đại mới.

Còn theo đánh giá của nhà nghiên cứu Hạ Văn Bình, Trung tâm nghiên cứu châu Phi, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nguyên nhân đảo chính ở Zimbabwe và sự ra đi của ông Mugabe mặc dù là cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong đảng cầm quyền Zimbabwe ngày càng gay gắt trong vài năm qua, nhưng nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ việc nắm quyền quá lâu và “thành tích” cầm quyền tồi tệ của ông Mugabe. 

Điều đáng vui mừng là cuộc đảo chính này được tiến hành một cách hòa bình và phần lớn đã hoàn thành theo phương thức dân chủ và pháp chế. Đây không thể không nói là một sự tiến bộ trong phát triển chính trị dân chủ của châu Phi.

Thế giới 2017:

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn phải rời chức vụ sau 3 tuần nhậm chức vì vụ "thông đồng với Nga" (Ảnh: Cankao)

Quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục xấu đi 

Từ khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ đến nay, vấn đề “thông đồng với Nga” liên tục âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn chỉ giữ chức được 3 tuần, sau đó đã phải từ chức vì “thông đồng với Nga” trong thời gian quá độ của chính quyền Mỹ. 

Ngày 9/5, ông Donald Trump cách chức Cục trưởng Cục điều tra Liên bang (FBI) James Comey, người đang điều tra vụ “thông đồng với Nga”. Ngày 1/12, ông Michael Flynn thừa nhận đã đưa ra chứng cứ giả với FBI về cuộc tiếp xúc giữa cá nhân ông với phía Nga, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với cuộc điều tra liên quan vụ “thông đồng với Nga” của kiểm sát trưởng đặc biệt Robert Miller, Bộ Tư pháp Mỹ. Vụ “thông đồng với Nga” đã gây trở ngại mới cho “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga.

Theo đánh giá của báo chí phương Tây, cuộc điều tra “thông đồng với Nga” đang tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ông Donald Trump. Thái độ chống Nga ăn sâu vào tiềm thức của người Mỹ. Hiện nay, thái độ này đã lên đến đỉnh cao mới. 

Trong khi đó, Kim Xán Vinh, phó giám đốc Học viện quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng vụ việc này đã kéo dài gần 1 năm, đã cho thấy đầy đủ cuộc đối đầu gay gắt giữa ông Donald Trump và Quốc hội. Vụ “thông đồng với Nga” nếu là sự thật thì đây sẽ là một thảm họa mang tính “lật đổ” đối với chính quyền Donald Trump. 

Cho dù cuối cùng cuộc điều tra không có chứng cứ thật, thì Quốc hội cũng có thể ép buộc ông Donald Trump đưa ra những nhượng bộ tương đối lớn trong các chính sách đối nội, đối ngoại khác. Ngoài ra, cuộc điều tra vụ “thông đồng với Nga” đang được tiếp tục tiến hành đã cho thấy sự “thù địch” của Quốc hội Mỹ đối với Nga và Quốc hội Mỹ muốn giành lấy quyền chủ đạo trong chiến lược đối ngoại. 

Thế giới 2017:

Kinh tế thế giới ấm lên toàn diện (Ảnh: Cankao)

Kinh tế thế giới ấm lên toàn diện 

Sau gần 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính gây chấn động thế giới, kinh tế thế giới cuối cùng đã đi ra khỏi ngõ cụt, ấm lên toàn diện. Tháng 4/2017, lần đầu tiên trong 6 năm qua, Tổ chức quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự đoán tăng trưởng ngắn hạn của kinh tế thế giới, điều chỉnh dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 từ 3,4% lên 3,5%. 

Trong 35 chỉ số chủ yếu đại diện cho các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, một nửa lập kỷ lục mới trong năm nay. Ở Mỹ, chỉ số giá bình quân cổ phiếu công nghiệp Dow Jones năm nay đã trên 60 lần lập kỷ lục trong ngày.

Theo đánh giá của báo chí Anh, kinh tế thế giới đang tăng trưởng rộng rãi và nhanh nhất trong 10 năm qua. Còn theo báo chí Mỹ, vốn của nhà đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Mỹ với tốc độ nhanh nhất trong những năm gần đây. 

Nhà nghiên cứu Mai Tân Dục, Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng kinh tế thế giới ấm lên chủ yếu dựa vào sự thúc đẩy của kinh tế hai nước Trung Quốc và Mỹ, trong đó tỷ lệ đóng góp của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu những năm gần đây luôn ở mức 30 - 40%, dự tính năm nay cũng ở mức này. 

Trong khi đó, trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ đẩy nhanh tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn liên tiếp lập kỷ lục mới, phần lớn là do nguồn vốn quay trở lại thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, trong những biểu hiện tương đối tốt của kinh tế toàn cầu năm nay cũng tiềm ẩn một loạt nhân tố rủi ro, tình hình năm 2018 còn phải chờ quan sát. 

Tổng thống Mỹ Donald thực hiện chính sách "nước Mỹ trên hết", bà Park Geun-hye bị luận tội, đảo chính ở Zimbabwe các vấn đề khủng bố, tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên... đã gây chấn động quốc tế.

Phong Vân - VietTimes