Việc đóng tới 7 cửa hàng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động đã khiến cả đại gia nội và đại gia ngoại mất hàng ngàn tỷ đồng
Trong những ngày cuối tháng 5/2018, VN-Index đánh mất mốc 1.000 điểm là một trong những thông tin được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm nhất. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động cũng trở thành tâm điểm khi đóng hàng loạt cửa hàng.
Theo báo cáo mới nhất, tại thời điểm cuối tháng 4/2018, Thế giới di động chỉ còn 1.065 cửa hàng, giảm 6 cửa hàng so với cuối tháng 1. Tính chung 4 tháng đầu năm, Thế giới di động đã đóng cửa 7 cửa hàng. Đây là lần đầu tiên Thế giới di động đóng cửa nhiều cửa hàng trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Số lượng cửa hàng giảm được cho là có ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của ông lớn ngành điện máy. Và đa số ý kiến nhà đầu tư đều tin rằng, đây là ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, nhà đầu tư tỏ ra e dè với cổ phiếu MWG của Thế giới di động.
Đóng cửa phiên giao dịch 22/5/2018, MWG dừng ở mức 109.000 đồng/CP, giảm 21.150 đồng/CP, tương ứng 16,1% so với phiên đầu tiên của năm 2018. 16,1% không phải tốc độ giảm quá lớn nhưng với những khoản đầu tư khổng lồ của các đại gia, phần hao hụt là không hề nhỏ.
Trong gần 5 tháng qua, MWG đã khiến vốn hóa thị trường của Thế giới di động giảm 6.835 tỷ đồng, xuống còn tổng 35.225 tỷ đồng. Có thể thấy, cổ đông của MWG đã thiệt hại khá nhiều trong 4 tháng đầu năm 2018.
Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ là cổ đông lớn nhất của MWG. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG lại sở hữu 100% cổ phần tại công ty này nên có thể thấy, ông Tài mới là ông chủ thực sự của MWG. Điều đó đồng nghĩa với việc khi giảm sâu, MWG khiến túi tiền của ông Tài hao hụt nhiều nhất.
Trong đợt xuống “đáy” MWG lao đao lần này, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Tài giảm 982 tỷ đồng, xuống còn 5.062 tỷ đồng. Với đà giảm mạnh của tài sản, vị trí cuối cùng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán của ông Tài cũng có thể ngoài tầm với.
Công ty TNHH Tri Tâm là cổ đông lớn thứ 2 của Thế giới di động. Công ty TNHH Tri Tâm có người đại diện pháp luật là ông Trần Lê Quân, Thành viên độc lập HĐQT Thế giới di động.
Nhờ sở hữu cổ phiếu MWG gián tiếp qua Tri Tâm, ông Trần Lê Quân đang có khối tài sản trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. MWG giúp ông Quân đứng ở vị trí 15 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng cũng chính lượng cổ phiếu MWG khá lớn đã khiến ông Quân hao hụt 613 tỷ đồng.
Pyn Elite Fund, một trong những quỹ lớn nhất đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam là đại gia ngoại đã trải qua nhiều thăng trầm cùng MWG. Pyn Elite Fund được may mắn nắm giữ số lượng MWG khá lớn khi cổ phiếu này tăng mạnh. Tuy nhiên, sự đi xuống của MWG cũng khiến cho Pyn Elite Fund cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cách đây 1 tháng, MWG giảm rất sâu, xuống “đáy”. Đó cũng là khi Pyn Elite Fund dành tới 12% danh mục đầu tư cho cổ phiếu MWG. Tổng tài sản của quỹ này lên tới 452 triệu Euro. Tại thời điểm đó, MWG giảm tới 28% (tính từ đỉnh) khiến Pyn Elite Fund thua lỗ 15,15 triệu Euro.
Hiện tại, dù đã thoát khỏi “đáy” nhưng MWG vẫn giảm khá sâu khiến khoản đầu tư của Pyn Elite Fund vào Thế giới di động bị “bốc hơi” 303 tỷ đồng.
Một vài đơn vị khác cũng hao hụt hàng trăm tỷ đồng có thể kể đến như Công ty TNHH MTV Sơn Ban (172 tỷ đồng), Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Trần Huy (172 tỷ đồng) và Ntasian Discovery Master Fund (126 tỷ đồng).
Theo đó, doanh thu thuần 4 tháng của cả hệ thống Thế giới di động đạt 29.699 tỷ đồng tăng 43%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.044 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ.
Hoàng Hà