Bước vào cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai, mặc dù đối mặt với những diễn biến phức tạp hơn gấp nhiều lần, song, bằng kinh nghiệm, ý chí quyết tâm; sự bình tĩnh, sáng suốt trong từ chủ trương đến hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, chỉ chưa đầy một tháng, Vĩnh Phúc đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Chủ trương “Phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, xét nghiệm thần tốc, cách ly kịp thời, điều trị tích cực” được triển khai quyết liệt thông qua nhiều giải pháp: Kiểm soát chặt chẽ, cắt đứt các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn; đồng thời duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch.
Xác định các khu công nghiệp (KCN) là nơi tập trung doanh nghiệp và công nhân lao động từ khắp mọi nơi ra vào, tỉnh chú trương đẩy mạnh việc kiểm soát, phòng ngừa, khai báo, nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân lao động và ổn định sản xuất kinh doanh.
Chiến dịch tầm soát, sàng lọc Covid-19 trên diện rộng theo Văn bản số 3495 ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho các đối tượng tự nguyện là lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực có nguy cơ cao được triển khai kịp thời, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực.
Kết quả 100% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và 100% âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Qua đó tạo tâm lý phấn khởi cho các chủ doanh nghiệp và công nhân lao động, giúp họ yên tâm tập trung vào việc sản xuất kinh doanh.
Đi đôi với việc xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2, nhằm duy trì ổn định hoạt động của các doanh nghiệp, trên cơ sở quán triệt tinh thần chỉ đạo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, các doanh nghiệp thực hiện quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc di chuyển ra vào tỉnh của chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân lao động.
Đặc biệt để hỗ trợ tối đa người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã thiết lập xong 2 khu ký túc xá, công suất hơn 1.000 giường cho công nhân ngoại tỉnh ở miễn phí trong điều kiện tỉnh hạn chế đi lại của người lao động, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải ban hành Kế hoạch số 1282 về việc hỗ trợ vận chuyển đưa, đón công nhân các tỉnh lân cận đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc phải ở lại các khu ký túc xá do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, vừa tạo điều kiện để người lao động đi lại an toàn, đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá nguy cơ lớn về lây nhiễm dịch bệnh luôn tiềm ẩn, để giữ vừng thành quả bước đầu và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân chuyển sang trạng thái sẵn sàng cao trong phòng chống dịch, đồng thời bảo đảm ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Triển khai thực hiện tốt 4 nội dung: Kiểm soát chặt các nguồn lây; chống nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài; ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; quản lý xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác chống dịch phải thực hiện tốt cả 2 mặt trận là chống dịch trong cộng đồng và chống dịch trong doanh nghiệp.
Bởi cho dù hầu hết người lao động trong khu công nghiệp đã được xét nghiệm nhưng trong trường hợp người lao động liên tục di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, khả năng lây nhiễm vẫn rất cao, do đó, tỉnh chủ trương tăng tần suất xét nghiệm các đối tượng này lên 1 tuần/lần hoặc cao hơn, tùy thuộc vào các đối tượng có nguy cơ cao hay thấp.
Kết quả sau một thời gian nỗ lực với sự quyết tâm chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân Vĩnh Phúc, dịch bệnh Covid-19 đã tạm đẩy lùi. Thành công nhất là đến thời điểm này, không có ca nhiễm nào xảy ra trong khu công nghiệp và công nhân lao động.
Có thể khẳng định, những chủ trương, quyết sách và biện pháp mạnh của tỉnh để kiềm chế sự lây lan của dịch đã phát huy tác dụng.
Đặc biệt, là việc thực hiện tốt phương châm “Bao vây, khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn”, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, đưa dịch Covid-19 vào vòng kiểm soát, cơ bản bảo đảm sự an toàn cho người dân trên địa bàn, cũng như chuẩn bị các nguồn lực để đáp ứng các tình huống.
Bên cạnh đó, nhận thức về dịch bệnh và ý thức tự giác trong phòng dịch của doanh nghiệp và công nhân lao động đã được nâng lên.
Kết hợp với các biện pháp phòng dịch hiệu quả, duy trì và ổn định được việc làm, thu nhập, môi trường làm việc an toàn… là động lực để người lao động được tiếp thêm sức mạnh, tạo dựng lòng tin, trách nhiệm với công việc, từ đó quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, cùng với những giải pháp ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc thay đổi chiến lược hoạt động, quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Dù phải áp dụng thêm nhiều giải pháp, gia tăng thêm chi phí cho hoạt động chống dịch, nhưng niềm tin vào thành quả bước đầu trong phòng chống dịch bệnh và sự phục hồi tăng trưởng kinh tế đã và đang tạo động lực giúp doanh nghiệp tăng tốc để đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh đề ra.
Anh Tú