Thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu - Hình 1

 Ảnh minh hoạ

Dự thảo nêu rõ thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các lĩnh vực sau: 1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng; 2. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); 3. Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; 4. Các trường hợp chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan; 5. Hàng hóa nhập khẩu đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra chuyên ngành).

Phương thức bảo lãnh thông quan gồm 2 phương thức: Thứ nhất, bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp áp dụng đối với các trường hợp: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan (trong các trường hợp: chưa có Giấy chứng nhận xuất xứ để được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do hoặc để chứng minh hàng hóa có xuất xứ từ các nước không thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại).

Thứ hai, bảo lãnh dựa trên trị giá của lô hàng nhập khẩu áp dụng đối với các trường hợp: Bảo lãnh đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; bảo lãnh chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên.

Dự thảo cũng quy định, tổ chức tham gia phát hành bảo lãnh cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị quyết này bao gồm các tổ chức kinh doanh bảo hiểm hoạt động theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Bộ Tài chính công nhận.

Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan chịu trách nhiệm: Nộp đủ số tiền phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo trị giá của lô hàng trong trường hợp bảo lãnh theo trị giá lô hàng nhập khẩu; nộp đủ số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp trong trường hợp bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp…

Phí bảo lãnh thông quan thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành bảo lãnh và tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Hà Trần