Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các "điểm nghẽn" về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng, phát triển TP. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết dựa trên quan điểm bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Đăng/TTXVN Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Đăng/TTXVN](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/05/26/btruong-dung-26052023-1685073338.jpg)
Theo đề xuất của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh sẽ được áp dụng 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP. Hồ Chí Minh và tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa? Bởi xét về số lượng thì, phạm vi của chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.
Cho rằng các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi thành phố có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu, vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách.
Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Mặc dù rất cần một cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động.
Dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm, do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung để bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.
Thiên Trường