Phóng viên trao đổi với Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, Lê Bá Hùng
Phóng viên trao đổi với Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, Lê Bá Hùng

Được biết, sau năm 1975,thị trấn Lao Bảo, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số;sau này, mộtsố gia đình người Kinh đi xây dựng vùng kinh tế mới.Lao Bảo, bước đầu gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Vùng đất Lao Bảo cổ xưa; đến trước tháng 8/1975, là vùng đất chỉ có 3 bản người dân tộc thiểu số sinh sống (bản Ka Túp, xã Thuận, bản Ka - Tăng, bản Lệt, xã Hướng Tân).

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Lao Bảo là hành lang của các cuộc hành quân càn quét của Mỹ - nguỵ, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 (chiến dịch Hạ Lào) của địch những năm 1970; 1971 đánh chiếm Đường 9 - Khe Sanh, bản Đông và vùng Trung, Hạ Lào. Thời điểm này, Lao Bảo là mặt trận ác liệt nhất.

Trung tâm thương mại Lao Bảo
Trung tâm thương mại Lao Bảo

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 9/1975, thực hiện chủ trương di giãn dân số theo NQ số 136/NQTU ngày 22/8/1975, của Tỉnh ủy Quảng Trị về việc điều chỉnh mật độ dân số và di dân lên vùng núi của huyện Hướng Hóa, một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) đã lên vùng đất Lao Bảo định cư tại địa danh nổi tiếng chốn “rừng thiêng nước độc”.

Họ đã cùng với Nhân dân các dân tộc anh em Vân Kiều, Pa Cô khai phá, xây dựng vùng đất hoang sơ - còn mang đầy vết tích chiến tranh - thành một vùng kinh tế mới đầy tiềm năng (khi mới thành lập có tên xã Tân Phước).

Người dân khởi đầu từ 2 bàn tay trắng với những mái nhà tranh tranh vách đất, cái cuốc, cây rựa, nghị lực, sức lao động, mồ hôi, nước mắt, có cả xương máu.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành, đơn vị đóng quân trên địa bàn, sự động viên tiếp sức của quê hương Triệu Phước, Triệu Phong, sự giúp đỡ của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, sự đoàn kết, ý chí quyết tâm của cán bộ và Nhân dân, đã biến vùng đất hoang hóa, bạt ngàn rừng rậm, suối sâu, ngổn ngang bom mìn, phế liệu chiến tranh và khí hậu hết sức khắc nghiệt - thành thị trấn năng động nơi mảnh đất tây Quảng Trị.

Trung tâm hành chính thị trấn Lao Bảo
Trung tâm hành chính thị trấn Lao Bảo

Từ khi Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ra đời và đi vào hoạt động đến nay, đời sống của Nhân dân ra sao?

Thị trấn Lao Bảo có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, điểm đầu trên hành lang kinh tế Đông - Tây vào Việt Nam; là địa bàn năng động trong phát triển kinh tế, trọng điểm về quốc phòng - an ninh của huyện Hướng Hóa; có nhiều cơ quan, đơn vị, DN đóng trên địa bàn.

Thị trấn có 11 khóm, bản với dân số 3.143 hộ dân/13.823 khẩu (có 3 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Vân Kiều, Pa Cô, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 384 hộ dân/2.012 nhân khẩu); cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và nông lâm nghiệp. Nhân dân có truyền thống đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động, thân thiện, mến khách.

Người dân thị trấn Lao Bảo có mối quan hệ tốt đẹp với người dân các bản của Lào bên kia biên giới trong phối hợp phát triển sản xuất nông nghiệp, trao đổi hàng hóa, thường xuyên qua lại thăm người thân, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con 2 bên biên giới ngày càng được cải thiện và nâng cao, góp phần xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào anh em.

Năm 1998, khi Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được hình thành, được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi, đã thu hút nhiều DN đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, hoạt động mua bán, trao đổi hàng qua lại biên giới, thương mại, dịch vụ trên địa bàn sôi động, phát triển.

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người từ 1,19 triệu đồng năm 1994, lên gần 44,2 triệu đồng cuối năm 2023; văn hóa - xã hội ngày càng phát triển; quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới luôn được giữ vững.

Nhận định của cơ quan chức năng, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thị trấn Lao Bảo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Vậy, chính quyền thị trấn đã có những kế hoạch hành động, phối hợp với các lực lượng hải quan, biên phòng ra sao?

Trong thời gian qua, chính quyền thị trấn đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Chi cục Hải quan Lao Bảo, các cơ quan đóng quân trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia và tiếp tay cho người buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý về buôn lậu và gian lận thương mại.

Nhằm hạn chế người dân tham gia buôn lậu, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho người dân; hỗ trợ các chính sách về XK lao động, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng nhằm tạo việc làm cho người dân;

Kiến nghị với các cấp, ngành, tiếp tục quan tâm tạo cơ chế, chính sách, kêu gọi các DN đến đầu tư trên địa bàn để thu hút lao động, tạo việc làm cho người dân, từ đó hạn chế tham gia buôn lậu và gian lận thương mại.

Phóng viên trao đổi với Bí thư Đảng ủy thị trấn Lao Bảo Trần Đình Dũng
Phóng viên trao đổi với Bí thư Đảng ủy thị trấn Lao Bảo Trần Đình Dũng

Bí thư Đảng ủy thị trấn Lao Bảo, Trần Đình Dũng:

Trong quá trình xây dựng và phát triển, thị trấn Lao Bảo đã có những bước phát triển vượt bậc, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế của Thị trấn chuyển dịch đúng hướng, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đời sống Nhân dân được nâng lên. Thị trấn Lao Bảo trở thành đầu mối quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của huyện Hướng Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, Đảng bộ và chính quyền thị trấn Lao Bảo đã có những đột phá, những việc làm mới có tính sáng tạo. Cụ thể, Chính quyền thị trấn: Vận động các DN, tổ chức và cá nhân trao sổ BHXH tự nguyện cho người nghèo, cận nghèo - mô hình mới và đầu tiên trong toàn tỉnh; Bằng các nguồn lực, xã hội hóa trên địa bàn; triển khai tổ chức phố đi bộ vào các dịp lễ lớn, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong toàn huyện và tỉnh đến tham gia. Đặc biệt, Tết Nguyên đán 2024, Lao Bảo tổ chức làm linh vật rồng đặt tại công viên, đã thu hút hơn 130.000 lượt du khách trong nước đến tham quan - đây là điểm nhấn thu hút du lịch và là tiền đề để phát triển kinh tế trên địa bàn…

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Hoàng Hữu Quyết- Đình Lương (Thực hiện)