Theo báo cáo, hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tai các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều”.

Thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang trên đà “thăng hoa” - Hình 1

Quanh cảnh buổi diễn đàn

Theo T.S Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: “Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp.

Các DN trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam như: Hệ thống kinh doanh tổng hợp có Co.op Mart, Vinmart, Fivimart, SaigonCoop, SatraMart, Hapromart… Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của các nhà bán lẻ nổi tiếng nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)...”

Bên cạnh đó, các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Còn theo bà Đặng Thúy Hà - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam có nhận định cho khuynh hướng thị trường bán lẻ thế giới và Việt Nam: “Hiện nay người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến trên mạng internet như VinMart Scan & Go tích hợp rất nhiều chức năng mang tính đổi mới và phục vụ các mục đích khác nhau, tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người tiêu dùng”.

Thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang trên đà “thăng hoa” - Hình 2

Việt Nam đang đi theo xu hướng Big Data

Hiện nay theo trào lưu của thế giới đang dần du nhập về Việt Nam, ứng dụng hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp để tăng trưởng tiêu dùng, sức bán hàng là Big Data, “Việc khai thác các dữ liệu lớn (Big Data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)… nếu được ứng dụng và khai thác đúng cách, sẽ không những giúp nhà bán lẻ cập nhật được hơi thở thị trường, mà còn tối ưu hoá đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số” – bà Lưu Bảo Vân – Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Với đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng hoặc cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Sài Gòn Co.op hay Vingroup.

 Trang Nguyễn