Thị trường bảo hiểm quý I tăng 17% so cùng kỳ - Hình 1

 Ảnh minh hoạ

Duy trì mức tăng trưởng tích cực

Thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý I/2019 ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 23%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê từng cho biết, tính đến thời điểm 20/12/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,34% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,19%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,56% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,30% (cùng kỳ năm trước tăng 16,96%).

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý IV/2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 26%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 13%.

Doanh thu bảo hiểm năm 2018 đạt 133,7 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 88 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8%, bảo hiểm phi nhân thọ 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%.

Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường

Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

Về định hướng phát triển và mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, Cục Quản lý bảo hiểm cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của thị trường, dự kiến mức tăng trưởng 20%, tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề nghị Cục quản ly bảo hiểm cần tập trung triển khai các nội dung như hoàn thiện khuôn khổ thể chế pháp luật về thị trường bảo hiểm và trọng tâm là xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể về Đề án tái cấu trúc thị trường bảo hiểm.

Một giải pháp đáng chú ý là phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, trong đó, đa dạng các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng, chuyên nghiệp nhất; quản lý theo nguyên tắc đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ dành cho bảo hiểm theo hướng quy định điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ tương ứng với từng loại hình dịch vụ (dịch vụ tư vấn, quản lý rủi ro; dịch vụ actuary, dịch vụ quản lý bồi thường, dịch vụ giám định tổn thất...).

Triển khai dự án hệ thống thông tin nhằm hệ thống hóa một cách đồng bộ, toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm, vừa phục vụ công tác quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với Hiệp hội bảo hiểm, cần tích cực phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về bảo hiểm, tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, cùng xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đào tạo cán bộ…

Bên cạnh đó, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh bảo hiểm nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phát triển thị trường bảo hiểm.

 Hà Trần