Tại Nha Trang, condotel trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành,… đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 300-500 triệu đồng/căn. Thậm chí, một căn hộ condotel diện tích 65m2 tại dự án Scenia Bay Nha Trang đang rao bán cắt lỗ lên đến 800 triệu đồng. Giá rao bán căn hộ hiện tại là 2,4 tỉ đồng, tương đương mức giá 36,92 triệu đồng/m2.
Tại Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều thông tin rao bán cắt lỗ 500 - 600 triệu đồng căn hộ condotel tại một số dự án như A La Carte Hạ Long Bay, The Sapphire Residence, FLC Grand Hotel Hạ Long,… Đơn cử một căn studio, diện tích 45m2 tại dự án A La Carte Hạ Long Bay đang được rao bán cắt lỗ 500 triệu đồng. Giá rao bán hiện ở mức 2,45 tỉ đồng, tương ứng giá bán 54,44 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng không ít căn condotel đang được rao bán cắt lỗ 1-2 tỷ đồng. Căn hộ có diện tích 65m2, được bố trí 2 phòng ngủ và có hướng nhìn ra biển có giá rao bán giá là 3,1 tỷ đồng, tương đương gần 48 triệu đồng/m2, là mức giá "cắt lỗ" 1 tỷ đồng so với giá gốc.
Tình trạng bán cắt lỗ căn hộ condotel liên tục xuất hiện những năm gần đây khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng kéo dài, thanh khoản khó khăn.
Chị Thu Huyền, một nhà đầu tư hiện đang là chủ 1 căn hộ codotel tại Nha Trang chia sẻ: “Do cần tiền để quay vòng vốn nên chấp nhận bán lỗ với mong muốn nhanh chóng thu tiền về. Tôi liên tục đăng tin rao bán, nhờ cả môi giới nhưng vẫn không có khách mua”.
Số liệu đáng chú ý vừa được DKRA (CTCP DKRA Group) đưa ra là lượng tiêu thụ căn hộ condotel trong quý đạt 2.062 căn, con số tăng đột biến, cao gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giao dịch chỉ tập trung cục bộ tại 1 dự án mới mở bán trong quý, những dự án cũ hầu hết đều có tình hình bán hàng chậm hoặc đóng giỏ hàng, không ghi nhận phát sinh giao dịch.
DKRA nhận định, những vấn đề về pháp lý, hiệu quả khai thác, niềm tin của nhà đầu tư,… vẫn là những rào cản khiến thị trường chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.
Nhiều khách hàng cho rằng, Nhà nước đang dành dự sự ưu tiên tới các dự án nhà ở xã hội, chung cư và các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, cùng với đó là nỗ lực bình ổn giá bất động sản. Những vướng mắc trong các dòng sản phẩm như condotel sẽ khó lòng được đưa lên giải quyết hàng đầu. Chưa kể, rủi ro về sai phạm cho người duyệt dự án là rất lớn. Vậy nên, các khó khăn tồn đọng sẽ khó được xử lý trong tương lai gần.
Một nguyên nhân khác khiến phân khúc condotel chưa thể hồi phục, theo đánh giá của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels là do nhiều sản phẩm chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường. Một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến.
Ông Mauro Gasparotti phân tích, tại Việt Nam condotel kém hiệu quả do chất lượng dự án chưa cao, mô hình trùng lặp, thiếu định hướng bền vững. Vị chuyên gia lấy ví dụ tại Phú Quốc, mô hình này đang cho thấy kém hiệu quả khi nguồn cung nhiều, nhưng phần lớn chưa đưa vào khai thác kinh doanh.
“Chúng tôi cũng quan sát thấy tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng tại một vài dự án. Việc thiếu cân nhắc đến các yếu tố như đặc điểm thị trường, xu hướng trong ngành... Đã làm tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các dự án được phát triển nhưng không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, nhất là giờ đây du lịch nước ngoài ngày càng phổ biến thì sự cạnh tranh càng gay gắt”, ông Mauro Gasparotti nhận định.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường condotel tại Việt Nam đã trải qua một giai đoạn “sốt nóng” trong giai đoạn năm 2016 - 2019. Vào thời điểm đó, ước tính trung bình có 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm. Tuy nhiên, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Nhiều sản phẩm mở bán trong giai đoạn này đã mải mê chạy đua cam kết lợi nhuận, mà thiếu đi sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể.
Một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á cũng từng chứng kiến giai đoạn phát triển nóng của các sản phẩm condotel, chẳng hạn như Indonesia với trường hợp của Bali vào giai đoạn năm 2008. Hiện thị trường này đã bước qua giai đoạn bùng nổ dự án mới và tiến tới giai đoạn phát triển chậm rãi nhưng đi sâu vào chất lượng.
Lê Thanh ( t/h)