Cụ thể, theo Ban Tổ chức, triển lãm quy tụ 150 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Ba Lan, Băng La Đét, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Singapore, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Ý, Việt Nam… đăng ký tham gia trưng bày tại 180 gian hàng.

Triển lãm Vietnam Medipharm Expo lần thứ 29. Ảnh: Nhung Bùi.
Triển lãm Vietnam Medipharm Expo lần thứ 29. Ảnh Nhung Bùi.

Các gian hàng được chia thành 05 nhóm ngành chính gồm: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, máy móc chế biến và đóng gói; Máy móc và  thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, phân tích, thí nghiệm, phòng sạch; Dịch vụ và nội thất bệnh viện, phần mềm và du lịch y tế; Thiết bị nha khoa, nhãn khoa; Mỹ phẩm, thẩm mỹ, thiết bị làm đẹp.

Để thúc đẩy xúc tiến thương mại hiệu quả trong ngành dược phẩm, y tế, phía đơn vị tổ chức triển lãm là công ty Vinexad, thuộc Bộ Công Thương cũng sắp xếp các chương trình kết nối giao thương trực tiếp giữa khách tham gia trưng bày tại triển lãm và người mua (B2B matching), nhằm mục đích tạo cầu nối giao thương hiệu quả dành cho các doanh nghiệp.

Lần đầu tiên tiếp cận thị trường Việt Nam, đại diện Bart Liposomal, doanh nghiệp đến từ Ba Lan cho biết, thông qua triển lãm lần này, họ muốn giới thiệu các dòng vitamin và khoáng chất dễ hấp thu cho cơ thể người tới khách hàng Việt Nam. Doanh nghiệp tin rằng Việt Nam là thị trường hấp dẫn để mở rộng hoạt động bán hàng, bên cạnh 60 thị trường mà Bart Liposomal đã xuất khẩu trên khắp thế giới.

Ảnh internet.
Thị trường dược phẩm, y tế Việt Nam thu hút nhà đầu tư của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh internet.

Đại diện Pharmatec, một trong những công ty dược phẩm lớn của Pakistan cũng muốn thông qua Triển lãm Vietnam Medipharm Expo tìm kiếm được các đối tác phù hợp để tiếp cận thị trường Việt Nam. Pharmatec tin rằng, với dân số 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng mà công ty đặt mục tiêu mở rộng trong năm 2024 tới đây.

Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế hy vọng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ có thêm cơ hội mở rộng giao thương, tăng cường chuỗi liên doanh, liên kết, đầu tư kinh doanh đem lại giá trị thương mại cao và tạo dựng một môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, ổn định, có tính cạnh tranh cao, từ đó phục vụ tốt việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Minh Lợi cũng đề nghị nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế tích cực trao đổi, tìm hiểu thị trường, đối tác nhằm góp phần trao đổi thương mại, hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực dược phẩm, trang thiết bị y tế mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam và doanh nghiệp.

Báo cáo của Vietnam Report về thị trường chăm sóc sức khỏe và ngành dược Việt Nam thể hiện: Có hơn 42% số doanh nghiệp trong ngành nhận định ngành dược sẽ phát triển trong năm 2023. Dự kiến đến năm 2025, tổng chi tiêu cho ngành y tế đạt 23,3 tỷ USD.

PV (t/h)