Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường Châu Á tăng 15%, thị trường Châu Âu tăng 10%.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khủng hoảng Nga-Ukraina cộng thêm hạn hán lan rộng khắp toàn cầu làm thiếu hụt lương thực đã đẩy nhu cầu dự trữ gạo của các nước trên thế giới tăng cao.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ít, các kho mua chậm lại, giá gạo giữ mức ổn định. Nguồn lúa thu đông ít nên các thương lái ít chấp nhận mua giá cao với lúa đẹp, song quy mô giao dịch nhỏ.
Giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, hiện giá gạo nguyên liệu đang được thương lái thu mua ở mức 9.100 đồng/kg. Gạo thành phẩm dao động quang mốc 9.700 – 9.750 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ổn định ở mức 8.250 – 8.300 đồng/kg.
Trước nhu cầu xuất khẩu gạo tăng cao, ở trong nước các địa phương cũng bắt đầu xuống giống vụ đông xuân 2023. Nam bộ gieo sạ khoảng 1,58 triệu héc-ta, giảm trên 6.100ha so với vụ đông xuân 2021-2022. Đông Nam bộ gieo sạ 80.000ha (tăng khoảng 760ha). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ khoảng 1,5 triệu héc-ta (giảm trên 6.800ha). Riêng tỉnh Bến Tre không bố trí gieo sạ vụ đông xuân khoảng 10.000ha lúa mà chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp.
Lê Xuân (t/h)