Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó
Cụ thể, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (gọi tắt là Công ty PouYuen) thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, đóng tại Phường Tân Tạo, quận Bình Tân được xem là một trong những doanh nghiệp đông lao động nhất tại TP.HCM với 50.563 lao động. Có thời điểm, công nhân của công ty này lên đến gần 100.000 người.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty PouYuen đã nhiều lần phải thông báo cắt giảm nhân sự, hoặc giảm giờ làm của hàng ngàn công nhân vì khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo nhanh của Liên đoàn Lao động quận Bình Tân gửi Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP.HCM, do ít đơn hàng nên năm 2023, Công ty PouYuen sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 năm (khi hết hạn hợp đồng). Dự kiến trong tháng 3, PouYuen Việt Nam sẽ cắt giảm 3.000 lao động, công nhân.
Về chế độ cho người lao động, phía công đoàn đề nghị hỗ trợ 0,8 tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Hiện phía công ty gửi phương án chờ tập đoàn quyết định.
Trước đó, tháng 11/2022, công ty này cũng đã cho gần 20.000 công nhân lao động sắp xếp nghỉ luân phiên do tình hình đơn đặt hàng khó khăn.
Trước việc Công ty Pou Yuen giảm lao động, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chỉ đạo UBND quận Bình Tân theo dõi, giám sát chặt tình hình sản xuất, việc làm của người lao động tại công ty này. Thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ người lao động... Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp kết nối để giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc.
Tương tự, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cũng cắt giảm 1.185 lao động do đối tác nhập khẩu bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi tình hình kinh tế đã không ký kết đơn hàng. Dù tìm mọi biện pháp, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch.
Công ty Pou Yuen và Công ty TNHH Tỷ Hùng chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM phải cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên, cố gắng xoay xở, tìm cách cắt giảm lợi nhuận để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự báo, vẫn còn nhiều khó khăn
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, bà Lê Thị Hoa, Giám đốc công ty chuyên sản xuất màng co (quận Bình Thạnh) cho biết: “Là doanh nghiệp mới có mặt ở trên thị trường, thế nhưng chúng tôi cảm nhận được rõ sự khó khăn trong thời gian vừa qua. Công ty chúng tôi là đơn vị chuyên sản xuất về màng co, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu các nước trên thế giới, nên phải đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ cao. Trước Tết, đơn hàng của doanh nghiệp bị sụt giảm 20% đến 30% so với cùng kỳ, ở tháng đầu năm 2023 tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến nào tích cực. Theo tôi dự đoán, thị trường sẽ vẫn còn khó khăn trong khoảng thời gian tới”.
Về vấn đề lao động, bà Hoa thông tin: “Trước những khó khăn của thị trường ở thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi đã phải cắt giảm một số lượng lao động nhất định, mặc dù để tuyển người vào đúng vị trí là một điều rất khó khăn, bởi chúng tôi phải mất thời gian đào tạo, thử việc khá lâu. Đồng thời, chúng tôi đang tìm kiếm thêm khách hàng mới để bù vào doanh thu bị sụt giảm, cũng như tăng cường bán lẻ cho thị trường trong nước để duy trì việc làm cho người lao động…”.
Để hạn chế tình trạng người lao động thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, UBND TP.HCM đã chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,…) để có phương án tổ chức kết nối cung – cầu lao động.
Cụ thể, TP.HCM đang triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, thành phố tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời các dự án, hoạt động của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022).
Đồng thời, thành phố tổ chức thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tốt để kịp thời hỗ trợ người lao động bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm. Cùng với đó thành phố kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới; bố trí nguồn lực để đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm là câu chuyện chung của cả thế giới. Tương tự, trong bối cảnh lạm phát ở các nước tăng cao và Mỹ liên tục tăng lãi suất cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác đã có động thái tương tự thì lãi suất và tỷ giá hối đoái ở Việt Nam cũng lên cao là dễ hiểu. Lãi suất hay tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí đầu vào doanh nghiệp lên cao. Hiện người tiêu dùng trong nước cũng có tâm lý tiết kiệm, sức mua sụt giảm nên doanh nghiệp gặp khó về đầu ra. Nhiều cái khó khăn cộng dồn lại và hầu như không doanh nghiệp nào thoát khỏi.
“Dự báo trong năm 2023, những vấn đề này vẫn chưa thể chấm dứt. Vì vậy, bản thân mỗi công ty phải tự tái cơ cấu về mọi mặt từ nhân sự đến tài chính, quản trị rủi ro và bám sát diễn biến vĩ mô để thích ứng. Dự báo tình hình các doanh nghiệp co cụm, cắt giảm lao động có thể còn diễn ra trong vài tháng tới. Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ kinh tế chính sách nhưng có một số chương trình cần đẩy nhanh hơn nữa như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp”, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định.
Hoàng Bách