(Ảnh minh họa)
Dù thỏa thuận này có hoặc không được ký kết, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Bằng chứng mới nhất là sự sụt giảm lợi nhuận trong ngành sản xuất xuất khẩu của Trung Quốc. Trong hai tháng đầu năm 2019, lợi nhuận các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 14% so với năm ngoái, xuống còn 708 tỷ nhân dân tệ (105 tỷ USD), theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia. Đây là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Rõ ràng, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và tạo sức ép lên các hoạt động sản xuất, lợi nhuận doanh nghiệp, kinh doanh và tiêu dùng của nước này.
Chiến tranh thương mại đã khiến tăng trưởng lợi nhuận nhóm công nghiệp của Trung Quốc giảm một nửa từ 21% trong năm 2017 xuống còn 10,3% vào năm 2018. Một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn các ngành khác. Lợi nhuận của ngành ô tô đã giảm 42% trong hai tháng đầu năm, do doanh số bán xe giảm trong tám tháng liên tiếp (tính đến tháng Hai). Lợi nhuận từ việc sản xuất máy tính, thông tin liên lạc và các thiết bị điện tử khác giảm mạnh 21,6% và giảm 15,7% cho ngành chế tạo nói chung.
Tăng trưởng về mặt lợi nhuận yếu đi có thể gây khó khăn cho đầu tư và tăng trưởng, đồng thời làm "xấu" hồ sơ tín dụng của các nhà sản xuất. Những cơn "cuồng phong" vĩ mô như vậy có khả năng làm nhiều công ty công nghiệp tạm gác kế hoạch đầu tư tài sản cố định. Thật vậy, đầu tư tài sản cố định cho nhóm sản xuất đã tăng ít hơn trong năm nay, 5,9 phần trăm trong tháng 1 và tháng 2, so với 9,5 phần trăm trong cùng kỳ năm ngoái. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng các công ty công nghiệp của Trung Quốc sẽ cho thấy sự suy giảm trong năm nay, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công khai các dữ liệu này.
Các số liệu kinh tế chính thức khác, được chính phủ Trung Quốc công bố liên tiếp, cũng xác nhận xu hướng giảm. Chẳng hạn, hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 20,7% trong tháng 2, sau khi giao dịch với Mỹ giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 5,3 phần trăm trong tháng 1 và tháng 2, từ 4,9 phần trăm trong tháng 12. Bắc Kinh đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay, xuống còn 6-6,5%, từ mức 6,6% đạt được năm ngoái, đây là mức tăng trưởng GDP chậm nhất kể từ năm 1990. Các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng thực tế của Trung Quốc đã hạ nhiệt xuống 5,3% trong Hai tháng đầu năm 2019, dựa trên các chỉ số hàng tháng tương quan chặt chẽ nhất với tổng sản phẩm quốc nội.
Trước những thách thức chưa từng có như vậy, các nhà hoạch định chính sách chỉ có hai đơn thuốc để giảm bớt nỗi đau kinh tế - đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế hơn hoặc chấm dứt chiến tranh thương mại.
Một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ giúp ích, và người ta hy vọng nó sẽ sớm đến. Đó là lý do tại sao Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có ưu thế trong các cuộc đàm phán thương mại. "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề này. Nền kinh tế của họ hoạt động không tốt", ông nói.
Chắc chắn, cuộc chiến thương mại không chỉ gây tổn hại cho các ngành sản xuất, mà còn gây cản trở đầu tư, giết chết việc làm, làm suy yếu tiêu dùng, gây bất ổn thị trường tài chính, v.v. - tất cả đều đi ngược lại mục tiêu chính sách của chính phủ là đảm bảo sáu yếu tố ổn định trong năm nay, đó là lĩnh vực việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước và kỳ vọng thị trường. Điều này giải thích tại sao các cuộc đàm phán thương mại đang tăng tốc và diễn ra tốt hơn mong đợi.
Đặc biệt, lưu ý rằng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có mặt tại Bắc Kinh vào thứ Năm và thứ Sáu. Phó chủ tịch đàm phán thương mại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Liu He, đang có chuyến thăm đối ứng tới Washington vào thứ Tư và có thể sắp hoàn tất một thỏa thuận.
Theo Bảo Linh (Nhà đầu tư)