"Lấyngắnnuôidài"
Gia đình nông dân Đỗ Văn Thuận (khu Bương, xã Khả Cửu, Thanh Sơn) là một trong những điển hình thoát nghèo nhờ một phần vốn vay Ngân hàng CSXH ủy thác qua tổ chức hội.
Anh Thuận chia sẻ: Trước đây, gia đình xếp vào diện nghèo nhất nhì xã, mọi thu nhập đều trông chờ vào mấy sào ruộng, nương. Từ khi tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện và được bình xét vay vốn ưu đãi, cuộc sống của gia đình đã dần thay đổi.
Anh Thuận cho hay, năm 2004, với 3 triệu đồng vốn vay hộ nghèo cùng với số tiền vay mượn của người thân, bạn bè, anh đã quyết định đầu tư vào trồng rừng, trồng bưởi Diễn và chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, có chút lãi thu được, anh chị tiếp tục đầu tư đào ao thả cá, nhân rộng diện tích rừng, trồng thêm bưởi, cải tạo chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh đã có 8 ha keo, bồ đề, trẩu; gần 50 gốc bưởi Diễn đã cho thu hoạch; hàng trăm con gà thịt; hàng chục con trâu bò, lợn… Nguồn thu từ mô hình đã giúp gia đình dần vượt qua khó khăn. Đến năm 2010, gia đình anh thoát nghèo.
Hiện tại, với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, anh Thuận không còn phải vay gói vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo nữa mà chuyển sang vay vốn ưu đãi dành cho hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Nông dân Đỗ Văn Thuận phấn khởi chia sẻ về hiệu quả từ nguồn vốn vay chính sách
Trước đây, gia đình ông Đinh Trọng Nhung, dân tộc Mường (xã Thạch Kiệt, Tân Sơn, Phú Thọ) là một trong những hộ nghèo nhất xã. Năm 2015, gia đình ông được Ngân hàng chính sách huyện cho vay 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Có vốn, ông Nhung đã tập trung cải tạo gần 3 ha đất đồi của gia đình, sau đó mua toàn bộ cây giống chủ yếu là keo và cây bồ đề về trồng. Đến năm 2018, ông Nhung đã trả hết nợ ngân hàng và thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trở thành hộ cận nghèo của xã.
Xác định phải thoát nghèo bền vững, cũng trong năm 2018, ông Nhung tiếp tục đề xuất Tổ tiết kiệm, bình xét vay vốn hộ cận nghèo và được Ngân hành chính sách cho vay 80 triệu từ nguồn vốn vay xuất khẩu lao động để cho con đi lao động nước ngoài, đồng thời đầu tư mở rộng trồng thêm 0,7 ha chè và hàng trăm cây bưởi.
“Nhờ vốn vay của Ngân hàng chính sách, con tôi đã được đi lao động nước ngoài, hàng tháng nó (con ông Nhung) gửi tiền về cho tôi. Số tiền gửi về tôi đầu tư đào ao, thả cá kết hợp trồng chè và chăm sóc đồi keo và bồ đề… Cuối năm nay, tôi bán toàn bộ số cây keo và bồ đề, cá, chưa kể 0,7 ha chè cũng thu về cả trăm triệu đồng”, ông Nhung chia sẻ.
Năm 2009, gia đình ông Phùng Xuân Đình, dân tộc Dao (xóm Minh Nga, xã Thạch Kiệt) cũng thuộc hộ nghèo của xã, lam lũ làm thuê, làm mướn, đầu tắt mặt tối cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày... Nhờ sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội và Tổ tiết kiệm vốn vay, ông Đình đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để trồng và chăm sóc 11 ha keo và quế. Thời gian cùng với sự kiên trì, cần mẫn lao động, đến nay 11 ha keo và một số cây quế đã cho thu hoạch. Ước tính thu về vài trăm triệu.
Đồng bộ giải pháp để người dân có vốn sản xuất
Cùng với chủ trương chung của Ngân hành chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ dồn vốn cho những địa bàn khó khăn, dòng chảy tín dụng về các xã ngày càng mạnh và phủ rộng, hòa quyện cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.
Ông Hà Văn Hiền, Tổ Trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Tinh Nhuệ (Thanh Sơn) cho hay, chính sách đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc đã đem lại hiệu quả rất cao đối với bà con trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Đây là một trong những chính sách rất phù hợp với đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa bởi vốn vay ngân hàng không thế chấp bằng tài sản mà dùng uy tín, tín nhiệm để làm nên đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Tinh Nhuệ khẳng định, thông qua nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, người dân đã phát huy được thế mạnh về tập trung chăn nuôi nhỏ lẻ kết hợp cải tạo vườn tạp, trồng rừng, làm dịch vụ… Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 40%, đến nay, thông qua nguồn vốn ngân hàng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11%.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Tân Sơn Tăng Tiến Sỹ cho biết, trong 5 năm triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại Tân Sơn đã có trên 16.000 lượt hộ nghèo và các đội tượng chính sách được vay vốn ngân hàng.
Nguồn vốn đã giúp cho trên 3.000 hộ nghèo vay phát triển sản xuất; trên 500 em học sinh, sinh viên được vay vốn để đi học; gần 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo và xây dựng mới… Bên cạnh đó, huyện Tân Sơn cũng chuyển nguồn vốn từ ngân hàng huyện sang ngân hàng chính sách huyện để bổ sung nguồn vốn nhằm giúp các hộ nghèo, hộ chính sách có thêm vốn phát triển sản xuất…
Với phương châm không để người nghèo thiếu vốn, những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để người dân có vốn phát triển sản xuất.
Ông Trương Việt Phương, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn tỉnh; tạo sức mạnh tổng hợp, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cán bộ và nhân dân. Quan điểm đột phá này của Đảng đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; tạo nên một luồng gió mới trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt trên 4.060 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 4.045 tỷ đồng với trên 125.000 khách hàng còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 32,3 triệu đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ.
Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Theo Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ, để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân thông tin về các chương trình tín dụng. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tổ chức họp giao ban, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân để kịp thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế, qua đó có biện pháp tháo gỡ.
Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiểu rõ chính sách tín dụng ưu đãi, tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất Ngân hàng chính sách xã hội các huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như cải cách thủ tục hành chính để người dân vay vốn ưu đãi ngày càng đơn giản, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, đơn vị duy trì việc tổ chức giao dịch tại UBND các xã vào các ngày cố định hằng tháng để đưa đồng vốn đến tận tay người nghèo, tiết kiệm chi phí đi lại và đảm bảo an toàn cho người dân.
Hoan Nguyễn