THCL - Ngày 25/10, ngày làm việc đầu tiên của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tại Thủ đô Washington DC, Mỹ, tờ Thời báo The Washington Times đã đăng bài viết “Quan hệ Việt-Mỹ bước vào kỷ nguyên mới của sự hợp tác” trong đó đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được trong thời gian qua và xu hướng phát triển trong thời gian tới của quan hệ Việt-Mỹ.
Bài viết trên thời báo The Washington Times
Theo bài viết, các nhà hoạch định chính sách tại Washington nhận thức rằng cả Việt Nam và Mỹ đang theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước. Quan hệ mới giữa hai quốc gia sẽ giúp vượt qua nỗi đau chiến tranh từ hơn 40 năm trước.
Từ cựu thù, giờ đây hai nước đang tăng cường thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và xóa bỏ các rào cản xuất phát từ sự mất lòng tin và hiểu nhầm.
Những năm vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến những bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Trong đó có chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng Năm vừa qua. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí và cam kết hợp tác an ninh với Việt Nam.
Chuyến thăm Mỹ của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh lần này càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương giữa hai nước. Chuyến thăm Mỹ của Thường trực Ban Bí thư cũng cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đang nhấn mạnh vào việc thực hiện đường lối đối ngoại với phương châm muốn trở thành bạn, trở thành đối tác chiến lược của tất cả các quốc gia dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Thời gian qua, quan hệ kinh tế Việt-Mỹ đã đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2015, thương mại hàng hóa song phương đạt mức 45,1 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 220 triệu USD vào năm 1994. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2005. Trong lĩnh vực an ninh, hai nước cũng đã xây dựng khung phát triển chiến lược của đối tác toàn diện.
Sự phát triển trong quan hệ hai nước còn được thể hiện qua các hoạt động trao đổi quân đội, chính sách quốc phòng, các cuộc đối thoại an ninh, chính trị và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, TPP - một hiệp định thương mại lớn bao gồm 12 quốc gia Thái Bình Dương và Mỹ, đại diện cho khoảng 40% kinh tế toàn cầu, hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn do Quốc hội Mỹ chưa thông qua.
Việt Nam đang trở thành đối tác kinh tế chiến lược quan trọng của Mỹ tại khu vực
Kể từ giữa những năm 1980, thông qua việc thực hiện chính sách “Đổi mới”, Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế nhiều thành phần trong đó các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bức tranh kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tích cực với GDP chín tháng đầu năm 2016 tăng 5,93%.
Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trên con đường cải cách, môi trường kinh doanh được cải thiện, đất nước phát triển theo hướng hiện đại hóa, tỷ trọng nông nghiệp giảm, dịch vụ và sản xuất công nghiệp tăng. Thu nhập bình quân đầu người cũng có bước nhảy vọt từ 471 USD năm 2003 lên mức 2.300 USD vào cuối năm 2015.
Trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc rơi vào suy giảm, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế và trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Với nhu cầu nội địa tăng, là quốc gia có dân số lên tới 93 triệu người, Việt Nam hiện được đánh giá là nước có lợi thế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo khảo sát của Nielsen, tập đoàn đa quốc gia của Mỹ hiện dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về thị trường tại Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 60% dân số ở độ tuổi dưới 35, và lực lượng này đang được đào tạo để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng lao động.
Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam có bước nhảy vọt lên mức 23% trong năm 2015, đạt khoảng 7 tỷ USD. Mỹ cũng là quốc gia có mức đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam trong năm 2016 với 748 dự án trị giá khoảng 11,08 tỷ USD.
Có thể vẫn còn một số ít các nhà phân tích còn hoài nghi về việc Việt Nam sẽ sớm mua các máy bay chiến đấu của Mỹ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, Việt Nam đang trở thành đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng của Mỹ tại khu vực.
Hợp tác an ninh quốc phòng Việt-Mỹ đi vào chiều sâu
Một trong những dấu mốc quan trọng trong quan hệ an ninh quốc phòng Việt-Mỹ chính là thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam và đưa ra tuyên bố rỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Đây là thời điểm hết sức có ý nghĩa vì trước đó 1 ngày Việt Nam đã hoàn thành bầu cử Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ hiện đang triển khai hai cuộc đối thoại thường niên cấp thứ trưởng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trong tương lai gần, Việt Nam nên thiết lập đối thoại trực tiếp cấp bộ trưởng với Mỹ, điều này sẽ giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.
Thời gian qua, với sự ủng hộ của Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước đang ngày càng phát triển, trong đó Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xử lý chất độc dioxin từ thời chiến tranh.
Trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định mối quan hệ mới giữa Việt Nam và Mỹ, rằng nhân dân hai nước đang hiểu nhau nhiều hơn thông qua các hoạt động trao đổi sinh viên, các thỏa thuận thương mại, du lịch và các mối quan hệ gia đình. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ mới với trong nước, đồng thời giúp hàn gắn các vết thương chiến tranh.
Các thành quả đạt được và sự hợp tác giữa hai nước cũng được thể hiện rõ trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước vào năm ngoái.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Obama cũng đã tự hào công bố thỏa thuận hợp tác đạt được liên quan đến lực lượng gìn giữ hòa bình của hai nước. Đây là thành quả đạt được từ các hoạt động đàm phán trong hơn một thập kỷ qua, cho phép các nhân viên tình nguyện của lực lượng gìn giữ hòa bình Mỹ tới các trường ở Hà Nội và TPHCM để dạy tiếng Anh.
Bức tranh về giáo dục cũng thể hiện sự gần gủi hơn trong quan hệ giữa hai nước, tính tới hiện nay, đã có khoảng 28 nghìn sinh viên Việt Nam được gửi tới đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ.
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, tiến hành các hoạt động tôn tạo mang tính hủy hoại đồng thời tấn công các ngư dân Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc đã có các hành động đe dọa ngư dân Việt Nam tại các ngư trường truyền thống có từ thời tổ tiên người Việt.
Sau các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, các nghị sĩ và Tổng thống Mỹ mới có thể sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định về việc chính sách xoay trục hướng tới châu Á sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh quốc gia Mỹ. Khi đó quan hệ hợp tác song phương Việt-Mỹ có thể sẽ được tăng cường hơn nữa, trong đó hai nước sẽ tập trung vào các lợi ích kinh tế và chiến lược, bất chấp việc vẫn còn những khác biệt. Cùng với các mối quan hệ kinh tế, quốc phòng Việt-Mỹ không ngừng được tăng cường, Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh khu vực.
Theo Chinhphu.vn